Mở đầu thư, các đại sứ và Ủy ban Cao cấp ASEAN khẳng định đoàn kết với Australia và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất đến chính phủ và nhân dân Australia. Các đại sứ tin tưởng cùng nhau, tất cả sẽ có thể vượt qua quãng thời gian đầy thử thách hiện nay.
Theo các đại sứ ASEAN, giữa cuộc khủng hoảng đại dịch, những sinh viên, du học sinh ASEAN cũng đang trải qua một loạt vấn đề khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống và quyết định tiếp tục học tập tại Australia. Trong đó, có thể kể tới một số vấn đề quan trọng như: Mất việc làm bán thời gian dẫn đến khó khăn về tài chính và nguy cơ vô gia cư; Lo lắng về việc một số môn học bị đình chỉ và những thay đổi trong hệ thống chương trình giáo dục Australia; Sự không chắc chắn về quyền lợi được chăm sóc sức khỏe và bệnh tật của các sinh viên quốc tế; Khả năng quay trở lại Australia để tiếp tục theo học nếu du học sinh quyết định trở về nước.
Trên tinh thần hỗ trợ Chính phủ Australia tìm kiếm giải pháp phù hợp, nhằm giải quyết các thách thức mà những sinh viên quốc tế đến từ ASEAN đang phải đối mặt, trong cuộc khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh hiện nay, các đại sứ và Ủy ban Cao cấp ASEAN hy vọng Chính phủ Australia, các bộ, cơ quan liên quan có thể xem xét một số quy định linh hoạt, không chỉ nhằm giải quyết nhu cầu quan trọng cần thiết mà còn hỗ trợ, đưa ra giải pháp thích hợp cho cộng đồng sinh viên quốc tế sau khủng hoảng.
Bức thư nhấn mạnh mong muốn Australia có sự hỗ trợ phù hợp về sức khỏe thể chất và tinh thần cho sinh viên quốc tế và linh hoạt các quy định ban hành, nếu có thể, phù hợp với hoàn cảnh "đặc biệt" hiện nay. Trong đó, lưu ý tới các giải pháp về: Tăng cường hỗ trợ cho sinh viên quốc tế bị ảnh hưởng bởi các hạn chế đi lại, đặc biệt liên quan đến vấn đề thị thực và thuê nhà ở; Hỗ trợ liên kết những trường hợp sinh viên quốc tế cần tìm kiếm việc làm bán thời gian khẩn cấp trong phạm vi trường đại học hoặc cộng đồng địa phương; Các chương trình hỗ trợ cụ thể nhằm giải quyết khó khăn mà các sinh viên quốc tế đang phải đối mặt, bao gồm chăm sóc sức khỏe, chỗ ở và hỗ trợ tài chính; Xem xét giải quyết vấn đề thuê nhà ở bị ảnh hưởng; Cung cấp các đường dây nóng hỗ trợ cho sinh viên trong trường hợp gặp các vấn đề về sức khỏe và tâm lý.
Các đại sứ và Ủy ban Cao cấp ASEAN khẳng định sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà chức trách, các quan chức liên bang và chính phủ các tiểu bang của Australia, cũng như đã liên lạc trực tiếp với các nhà lãnh đạo và các trường đại học, sẵn sàng cung cấp thông tin cần thiết theo yêu cầu.
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Di trú Australia ngày 4/4 cho biết sẽ có một số thay đổi chính sách đối với 2,17 triệu người nước ngoài đang sinh sống tại Australia theo diện thị thực tạm trú, trong đó có cả đối tượng là các sinh viên quốc tế. Thông báo nêu rõ những người có thị thực tạm trú cần chủ động trong việc thu xếp nguồn tài chính cho bản thân và gia đình. Nếu thấy quá khó khăn, cần tính đến phương án trở về quê hương.
Đối với nhóm đối tượng là sinh viên quốc tế, thông báo nêu sẽ nới lỏng quy định về Quỹ Hưu trí (được chủ doanh nghiệp trích trực tiếp từ tiền lương trả cho người lao động chuyển giao vào quỹ), cho phép những sinh viên nước ngoài đã ở Australia trên 12 tháng được quyền rút tiền từ Quỹ này mà không phải chờ tới khi về nước hoàn toàn theo quy định trước kia.
Ngoài ra, một số điều kiện đối với diện thị thực du học sinh (600) cũng sẽ được linh hoạt theo thực tế, như điều kiện phải có mặt tại Australia trong thời gian học hay yêu cầu đi học đầy đủ; tăng thời gian cho phép đi làm thêm đối với sinh viên quốc tế từ 20 giờ/tuần lên thành 40 giờ/tuần; khuyến khích các trường đại học giảm học phí và xem xét các khoản trợ cấp cho sinh viên quốc tế.
Mặc dù đã có một số nới lỏng nhất định, nhưng thông báo của Bộ Di trú Australia đã chính thức đặt dấu chấm hết cho sự kỳ vọng vào những hỗ trợ của Chính phủ Australia dành cho đối tượng là người nước ngoài tạm trú và các du học sinh quốc tế.
Phát biểu với kênh phát thanh SBS, sinh viên ngành công tác xã hội của Đại học Victoria, thành viên Liên đoàn Sinh viên Quốc tế Australia, Olena Nguyễn, chia sẻ việc cho phép rút sớm tiền từ Quỹ Hưu trí không đảm bảo đủ để các sinh viên quốc tế, những người vốn chỉ đi làm thêm bán thời gian và được trả mức lương rất ít ỏi, có thể đủ tiền để trang trải cuộc sống trong giai đoạn hiện nay. Theo Olena, là những người sống xa quê hương, trong đại dịch, sinh viên quốc tế dễ bị tổn thương nhất và cần được hỗ trợ.
Hiện Liên đoàn Sinh viên Quốc tế Australia đã lên tiếng kêu gọi các trường đại học sớm thông báo giảm học phí cho sinh viên quốc tế, cũng như Chính phủ Australia cần xem xét cho phép nhóm đối tượng này được quyền tiếp cận các khoản phúc lợi xã hội, tương tự như sinh viên trong nước.