Hãng thông tấn Saudi (SPA) cho biết chủ đề thảo luận chính hội nghị là các vấn đề khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy hội nhập và hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, kinh tế và luật pháp.
Vài giờ trước khi khai mạc hội nghị, Qatar thông báo cử ngoại trưởng nước này tham dự, thay vì người đứng đầu nhà nước. Ngoại trưởng Bahrani Sheikh Khalid ngay lập tức chỉ trích quyết định này của Doha, cho rằng Quốc vương Qatar nên là người tham dự hội nghị này.
Thành lập năm 1981, GCC là một liên minh kinh tế và chính trị bao gồm các nước Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar, cùng Oman và Kuwait. Quan hệ giữa các nước GCC bắt đầu rạn nứt từ tháng 6/2017 - thời điểm 4 nước Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Bahrain áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar với cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trên, dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa các nước vùng Vịnh. Doha bác bỏ các cáo buộc và cho rằng các nước trên muốn xâm phạm chủ quyền của Qatar. Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy, nhưng cho đến nay chưa mang lại kết quả.
Theo Tổng Thư ký GCC, ông Abdellatif Al-Zayani, Hội nghị thượng đỉnh GCC lần thứ 39 này sẽ xem xét các mối quan hệ với Iran sau khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran. Lâu nay, Saudi Arabia và các nước đồng minh UAE và Bahrain vẫn ủng hộ Mỹ trong việc gia tăng sức ép đối với Iran. Đối lập với quan điểm này, hai nước thành viên khác của GCC là Kuwait và Oman mong muốn bình thường hóa quan hệ với Iran.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Kuwait Khalid al-Jarallah nhận định Hội nghị thượng đỉnh GCC lần này có thể là cơ hội để chấm dứt sự rạn nứt trong nội bộ khối.