Các công ty phương Tây tiếp tục thống trị thị trường Nga năm 2023 

Theo danh sách 50 công ty nước ngoài lớn nhất tại Nga của Forbes, các tập đoàn của Mỹ, Pháp và Đức tiếp tục thống trị thị trường Nga năm 2023, bất chấp làn sóng rời đi của các doanh nghiệp phương Tây sau khi bùng phát xung đột ở Ukraine. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: investmentmonitor.ai

Bảng xếp hạng mới nhất của Forbes cũng chứng kiến các công ty Trung Quốc đang giành được chỗ đứng trên thị trường Nga, phản ánh những thay đổi địa chính trị lớn đã diễn ra kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Theo thống kê, đến nay có 22 trong số 50 công ty nước ngoài hàng đầu năm 2022 của Forbes đã rút khỏi Nga.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều đại diện nhất trong bảng xếp hạng năm 2023 của Forbes, với 8 trong số 10 công ty Mỹ niêm yết năm 2022 xuất hiện trở lại trong bảng xếp hạng mới nhất.

Trung Quốc, quốc gia có 6 công ty trong bảng xếp hạng năm 2023, xếp thứ hai, trong khi Đức đứng thứ 2 năm ngoái chia sẻ vị trí thứ ba với Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ với 5 công ty mỗi nước.

Forbes Nga lưu ý rằng các nhà sản xuất ô tô và điện tử tiêu dùng Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi do xung đột Nga - Ukraine, với mức tăng trưởng doanh thu hai con số.

Trong khi đó Belarus, Italy, Thái Lan và Kazakhstan lần đầu tiên có công ty lọt vào top 50, nhưng các doanh nghiệp Tây Ban Nha, Latvia và Thụy Điển đã biến mất khỏi danh sách.

Những cái tên vắng mặt đáng chú ý trong danh sách mới nhất bao gồm nhà sản xuất ô tô Đức đồng thời là công ty nước ngoài lớn nhất năm 2022 tại Nga là Volkswagen, cũng như Renault của Pháp (thứ 3 năm 2022), Apple (thứ 5), Toyota (thứ 7) và Samsung (thứ 9).

Năm nay, nhà bán lẻ Leroy Merlin của Pháp chiếm vị trí đầu tiên với doanh thu ước tính 5,3 tỷ USD tại Nga.

Giống như nhiều công ty phương Tây khác, Leroy Merlin đã công bố kế hoạch nhượng lại quyền kiểm soát các cửa hàng ở Nga cho ban quản lý địa phương và đang chờ Điện Kremlin phê duyệt. Điều này có thể dẫn đến việc Leroy Merlin bị khỏi danh sách năm 2024 của Forbes Nga.

Kể từ tháng 12 năm ngoái, Điện Kremlin đã buộc các công ty nước ngoài rời khỏi Nga phải bán tài sản cho người mua Nga với mức chiết khấu 50% và tính phí rút khỏi ít nhất 10% giá trị giao dịch.

Theo thống kê của Trường Kinh tế Kiev, hơn một nửa trong số trên 1.870 công ty thuộc sở hữu của châu Âu hoạt động ở Nga trước xung đột vẫn ở lại nước này sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo themoscowtimes.com)
Israel tăng đáng kể xuất khẩu vũ khí nhờ xung đột Nga - Ukraine
Israel tăng đáng kể xuất khẩu vũ khí nhờ xung đột Nga - Ukraine

Nhờ cuộc xung đột ở Ukraine, Israel tăng đáng kể xuất khẩu vũ khí sang các nước khác, nhưng từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN