Theo tờ The Times của Anh, chính phủ nước này đang tiếp tục cho phép một số công ty có trụ sở tại Anh xuất khẩu thiết bị quan trọng đối với ngành công nghiệp khai thácc và nhiên liệu hóa thạch sang Nga, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine, cho thấy các công ty đó đang lách lệnh trừng phạt của phương Tây.
Cụ thể, một số doanh nghiệp ở Anh được cho là đang tiếp tục cung cấp cho Nga các bộ phận chính như giá đỡ đường ống, ống dầu cao su và các thiết bị điện tử được sử dụng trong ngành luyện kim.
Một ví dụ về các công ty này là Hill & Smith, một doanh nghiệp liên quan đến thiết kế, sản xuất và cung cấp các sản phẩm cho ngành xây dựng và cơ sở hạ tầng. Vào năm 2022, báo cáo tài chính của công ty không đề cập trực tiếp đến khách hàng hoặc nhà cung cấp ở Nga.
Tuy nhiên, dữ liệu xuất khẩu cho thấy một trong những công ty con của Hill&Smith, Bergen Pipe Supports India Private Limited, tiếp tục cung cấp cho Arctic LNG 2 của Nga dịch vụ hỗ trợ xây dựng để sửa chữa đường ống dẫn khí.
Arctic LNG 2 LLC là dự án sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai của nhà sản xuất khí đốt tự nhiên độc lập lớn nhất của Nga, Novatek. Công suất hàng năm ước tính khoảng 19,8 triệu tấn LNG.
Trong khi đó, các công ty khác có trụ sở tại Anh dường như cũng đang tham gia vào việc bán nguyên liệu và thiết bị cho Nga. Dunlop Oil & Marine Ltd. công ty hàng đầu thế giới về thiết kế, sản xuất và cung cấp ống mềm cho ngành công nghiệp dầu khí và hóa dầu, cho cả các hoạt động ngoài khơi và trên đất liền, đã và đang cung cấp ống dầu cao su cho tập đoàn Caspian Pipeline Consortium.
Các cổ đông chính trong tập đoàn này gồm các công ty năng lượng của Nga LUKOIL và Transneft, cùng với các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ là Chevron và ExxonMobil. Dunlop thuộc sở hữu của Continental, một nhà sản xuất phụ tùng ô tô đa quốc gia của Đức.
Một nhà cung cấp khác liên quan đến vấn đề trên là ION Science Ltd. Công ty này đã vận chuyển “các thiết bị điện tử để sử dụng trong ngành luyện kim” đến Nga, thông qua Malta.
Người phát ngôn của Continental cho biết kể từ tháng 5 năm nay, họ đã thoái vốn phần lớn các hoạt động của mình ở Nga, nhưng trong một số trường hợp, nhà sản xuất phải thực hiện hợp đồng khách hàng mà hiện tại là thời điểm hoàn thành, nhưng họ vẫn tuân thủ tất cả các quy định và lệnh trừng phạt hiện hành.
Về phần mình, người phát ngôn của Hill & Smith cho biết họ và các công ty con chưa bao giờ giao dịch trực tiếp với Novatek hoặc có bất kỳ hoạt động nào ở Nga và tập đoàn này không có tiếp xúc trực tiếp với khách hàng ở Nga và tiếp xúc gián tiếp không đáng kể. Công ty đã không đưa ra bình luận chính thức nào về mối quan hệ thương mại giữa Bergen Pipe Supports India Private Limited và Arctic LNG 2.
Trước đó vào đầu tháng 2 năm nay, tờ The Guardian đưa tin rằng công ty năng lượng Shell có trụ sở tại Anh và công ty kinh doanh năng lượng Vitol có trụ sở tại Thụy Sĩ đang lách lệnh trừng phạt của EU, mua dầu của Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một bức thư do cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine, Oleg Usenko, gửi cho Giám đốc điều hành mới của Shell, Wael Sawan, người trước đây bày tỏ rằng Shell đã không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào ngoài việc mua các mặt hàng dầu từ các nhà máy lọc dầu của Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện phía Kiev cho rằng "Shell đang đi ngược lại cam kết của mình liên quan đến rút khỏi việc tham gia vào dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga, đồng thời lợi dụng kẽ hở trong chế độ trừng phạt của EU”
Ông Usenko nêu rõ: “Nếu các công ty phương Tây tiếp tục mua các sản phẩm tinh chế có nguồn gốc từ Nga, thì sẽ không có động lực nào để các nhà máy lọc dầu trên thế giới ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga”.
Trong khi đó, Shell đã báo cáo lợi nhuận hàng năm kỷ lục là 32 tỷ bảng Anh vào đầu tháng 7/2023 và Vitol cũng đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục 4,2 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Vào tháng 12 năm ngoái, EU đã áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga và đồng ý với các đối tác G7 áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng.
Phản ứng về các thông tin trên, Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh mới đây cho biết họ đã giảm đáng kể hàng hóa của nước này được xuất khẩu sang Nga. Ray Burgin tại Viện Xuất khẩu & Thương mại Quốc tế (IOE&IT), một đối tác của Chính phủ Anh, cho rằng những thông tin này là một lời nhắc nhở quan trọng đối với các doanh nghiệp rằng họ cần phải thận trong khi đảm bảo xuất khẩu của họ không vô tình đi tới người dùng cuối ở Nga.
"Các biện pháp trừng phạt do Anh, EU và Mỹ, cùng một số nước khác đưa ra, phần lớn đã thành công trong việc hạn chế cung cấp các sản phẩm và bộ phận chính vào Nga. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tiếp tục cẩn trọng để đảm bảo hàng xuất khẩu của họ không bị chuyển qua các bên thứ ba để vào Nga. Các doanh nghiệp nên đảm bảo rằng họ có sẵn các quy trình để giám sát và xem xét người dùng cuối cũng như việc sử dụng cuối các sản phẩm của họ”, chuyên gia Burgin nói.