Theo đài RT, trong số 18 người ký tên bức thư có cựu Phó chủ tịch Hạ viện Đức Antje Vollmer; cựu trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc Hans-Christof Graf von Sponeck; cựu nghị sĩ Đức Norman Paech; cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xung đột ở Marburg, Johannes Becker…
Bức thư được công bố ngày 22/4 cho rằng khi cung cấp vũ khí cho Ukraine, Đức và các quốc gia NATO khác trên thực tế đã tự biến mình thành một bên tham chiến.
Các đồng tác giả của bức thư nói rằng Ukraine đã trở thành chiến trường xung đột giữa NATO và Nga về trật tự an ninh ở châu Âu và xung đột này đang gây hại cho người dân Ukraine.
Bức thư cảnh báo nếu không chấm dứt xung đột nhanh chóng, cuộc chiến này sẽ kết thúc bằng một cuộc chiến tranh lớn khác tương tự như Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Bức thư cũng nói thêm rằng lần này vũ khí hạt nhân có thể sẽ được sử dụng, gây ra tàn phá trên diện rộng và kết thúc nền văn minh nhân loại. Bức thư nhấn mạnh tránh phá hủy và leo thang thêm cần là ưu tiên tuyệt đối.
Các đồng tác giả khẳng định rằng hỗ trợ quân sự của NATO chỉ làm trì hoãn giải pháp ngoại giao, thúc đẩy sự phản kháng của quân đội Ukraine khi họ có rất ít cơ hội chiến thắng. Bức thư lập luận rằng thay vào đó, phải thực hiện các bước chấm dứt đổ máu.
Các đồng tác giả gợi ý rằng bước đầu tiên là dừng tất cả các hoạt động giao vũ khí và nói thêm rằng Đức nên thuyết phục Ukraine chấm dứt phản kháng quân sự và thay vào đó lựa chọn một giải pháp chính trị. Họ nói rằng tình trạng trung lập của Ukraine, công nhận Crimea là một phần lãnh thổ Nga và Kiev đồng ý với cuộc trưng cầu dân ý ở các nước cộng hòa tự xưng ở miền đông có thể là cơ hội thực sự để đạt được thỏa thuận.
Bức thư cũng cho rằng các cuộc thảo luận về việc rút quân của Nga và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nên đi kèm với các đề xuất của NATO về các thỏa thuận an ninh mới trong khu vực có tính đến lợi ích an ninh hợp pháp của Nga và các nước láng giềng.
Các đồng tác giả cũng đề nghị tuyên bố một số thành phố của Ukraine, bao gồm Kiev, Kharkov và Odessa, là thành phố mở - nghĩa là các địa điểm đồng ý từ bỏ mọi nỗ lực phòng thủ để đổi lấy đảm bảo rằng sẽ không có giao tranh diễn ra tại đây. Điều đó sẽ giúp họ tránh được sự tàn phá và thương vong dân thường.
Theo bức thư, lý lẽ chiến tranh phải được thay thế bằng lý lẽ hòa bình và phải tạo ra một kiến trúc hòa bình toàn cầu và châu Âu mới, bao gồm cả Nga và Trung Quốc. Đức không được đứng ngoài lề ở đây, mà phải đóng vai trò tích cực.
Trước đó, quân đội Đức đã chuyển cho Ukraine 1.000 đơn vị vũ khí chống tăng và 500 bệ phóng tên lửa đất đối không Stinger. Đức cũng cung cấp khoảng 500 tên lửa phòng không Strela trong số 2.700 tên lửa mà nước này cam kết hỗ trợ cho quốc gia Đông Âu này.