Báo The Times của Anh đưa tin Thủ tướng May nhiều khả năng phải đối mặt với các phản đối của các bộ trưởng vào tuần tới trong bối cảnh bà hy vọng nhận được nhiều sự ủng hộ hơn nữa từ các nhà lãnh đạo EU đối với kế hoạch Brexit của bà, mặc dù chuyến công du vừa qua của bà đến Brussels không có kết quả.
Một nhóm bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Amber Rudd, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, đã thể hiện chiều hướng ủng hộ một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai nếu các lựa chọn khác không nhận được sự ủng hộ.
Một nhóm khác, trong đó có Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, phản đối ý tưởng tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai. Bản thân ông Gove thiên về mô hình quan hệ của Na Uy với EU sau Brexit. Các bộ trưởng khác, trong đó có Ngoại trưởng Jeremy Hunt sẵn sàng đối phó với nguy cơ Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận nào.
Kế hoạch Brexit của bà May đã nhận được sự tán thành của các lãnh đạo EU hồi tháng trước, song vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của bà. Các nghị sĩ này lo ngại với kế hoạch này, Anh sẽ "mắc kẹt" trong vòng kiềm tỏa của EU. Thủ tướng May cảnh báo việc bác bỏ kế hoạch trên có nguy cơ khiến Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận để "giảm sốc" cho nền kinh tế, hoặc Anh sẽ không "ly hôn" nữa.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh EU có thể tìm một cách để "làm rõ" các điều khoản thỏa thuận "ly hôn" của Anh, song không thể đàm phán lại các điều khoản.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị thượng đỉnh của EU ngày 14/12, ông Macron nêu rõ: "Đã có một thỏa thuận, và đây là thỏa thuận duy nhất và tốt nhất có thể, chúng ta không thể đàm phán lại thỏa thuận. Nhưng chung ta có thể làm rõ và cam đoan một lần nữa".
Tại hội nghị trên, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí đảm bảo với Thủ tướng Anh rằng EU sẽ cố gắng để ký một Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với Anh trước năm 2021.