Toàn cảnh vòng đàm phán Syria tại Astana, Kazakhstan ngày 15/9/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Kazakhstan thông báo vòng đàm phán tiếp theo về Syria sẽ diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 14 - 15/5 tới. Tất cả các bên liên quan, bao gồm 3 nước bảo trợ là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ và phe đối lập vũ trang tại Syria, đều đã xác nhận sẽ tham dự.
Thông báo cũng cho biết, đoàn đại biểu của Liên Hợp quốc (LHQ) do Đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mixtura dẫn đầu và đoàn đại biểu Jordan cũng sẽ có mặt tại Astana với tư cách là quan sát viên. Dự kiến, ngày 14/5, các bên sẽ tiến hành một số cuộc tham vấn song phương, đa phương ở cấp chuyên gia và ngày 15/5 sẽ diễn ra phiên họp toàn thể.
Các cuộc đàm phán về Syria tại Astana, với sự tham gia của đại diện chính quyền Syria và phái đoàn các phe đối lập, đã được bắt đầu hồi tháng 1/2017 dưới sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tiến trình đàm phán này diễn ra song song với các cuộc đàm phán hòa bình do LHQ bảo trợ tại Geneva (Thụy Sĩ) và được cho là đã giúp làm giảm các hoạt động thù địch giữa các lực lượng chính phủ và phiến quân sau khi đạt được thỏa thuận thiết lập các vùng giảm căng thẳng.
Trong năm 2017, tổng cộng 8 vòng đàm phán về cuộc khủng hoảng Syria đã được tổ chức tại Astana, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi cơ chế ngừng bắn trên toàn quốc tại Syria.
Cơ chế đàm phán này đã mở đầu năm 2018 với Đại hội đối thoại dân tộc Syria, diễn ra ngày 31/1 tại Sochi (Nga), với kết quả là thông qua 3 văn kiện quan trọng, gồm tuyên bố chung, lời kêu gọi của các đại biểu và danh sách Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Các bên tham gia Đối thoại dân tộc Syria đã thông qua tuyên bố chung nêu rõ “Syria phải là một quốc gia dân chủ và không phe phái… không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và giới tính”, đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Syria, đảm bảo quyền lợi của tất cả các nhóm sắc tộc và tôn giáo, tiến hành quá trình chính trị mà theo đó, người dân Syria tự quyết định vận mệnh của mình, không có sự can thiệp từ bên ngoài và xác định tương lai của đất nước thông qua bầu cử. Đây là nội dung thể hiện quan điểm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria phải mang lại lợi ích thực chất cho người dân Syria.