Các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ gặp nhau tại Vienna (Áo) vào tháng 2 tới

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ngày 24/1 cho biết các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ gặp nhau vào tháng 2 tới ở Vienna (Áo), sau khi Anh, Pháp và Đức bắt đầu triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp - động thái có thể làm khôi phục các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đối với chính quyền Tehran.

Chú thích ảnh
Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 20/1/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Động thái mới sẽ cho phép các nước thành viên EU nói trên có thêm thời gian thuyết phục Iran quay trở lại tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân sau khi Tehran đã thực hiện một loạt biện pháp giảm bớt thực thi các cam kết sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt trừng phạt Iran.

Hôm 14/1, Anh, Pháp, Đức tuyên bố triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo điều khoản nêu trong thỏa thuận, một bên tham gia có thể kiến nghị lên một ủy ban chung về việc một bên khác vi phạm thỏa thuận nghiêm trọng.

Nếu tranh chấp không được giải quyết tại ủy ban chung thì sẽ được đưa lên một ban cố vấn và cuối cùng có thể bị đưa ra HĐBA LHQ, có thể sẽ dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của LHQ với Iran. Tuy nhiên, Anh, Pháp và Đức khẳng định vẫn tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận, đồng thời bày tỏ quyết tâm làm việc với tất cả các bên còn lại để bảo vệ thỏa thuận.

Bộ Ngoại giao Iran sau đó đã cảnh báo các quốc gia châu Âu sẽ phải đối mặt với "các hậu quả" sau động thái trên. Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Iran, ông Mahmoud Vaezi cảnh báo việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là một trong những lựa chọn của Tehran trong bối cảnh các nước châu Âu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân này.

Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCOPA) - thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và 5 nước ủy viên thường trực HĐBA (Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ) cùng Đức, quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Ngoài ra, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCOPA và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Từ đó, Mỹ từng bước tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán.

Đáp lại, Iran đã tuyên bố giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng giới hạn làm giàu urani vượt mức 3,67% và lượng urani làm giàu thấp vượt ngưỡng 300 kg. Các cường quốc còn lại tham gia ký thỏa thuận đang nỗ lực cứu vãn JCPOA.

Thanh Bình (TTXVN)
Iran đề cập khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân
Iran đề cập khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

Ngày 22/1, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Iran, ông Mahmoud Vaezi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là một trong những lựa chọn của Tehran trong bối cảnh các nước châu Âu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân này - động thái có thể làm khôi phục các biện pháp trừng phạt của Hôi đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN