Giống như Kim Jin-woo, nhiều người mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã quyết định sử dụng dịch vụ khám bệnh từ xa. Với số ca mắc COVID-19 tăng vọt, các bệnh viện Hàn Quốc chỉ có thể chăm sóc cho bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 trên 60 tuổi trong khi những người triệu chứng nhẹ sẽ được kê đơn thuốc điều trị tại nhà.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết về kỹ thuật, khám bệnh từ xa là trái phép tại Hàn Quốc và mới chỉ được thông qua chính thức khi nằm trong các biện pháp khẩn cấp chống dịch COVID-19 kể từ năm 2020. Số người sử dụng dịch vụ khám bệnh từ xa ngày càng tăng kết hợp với việc Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol công khai ủng hộ hình thức này cho thấy nó có thể duy trì trong hệ thống y tế Hàn Quốc.
Kim Jin-woo chia sẻ: “Việc bác sĩ chẩn đoán qua điện thoại cho bạn và thuốc chuyển đến nhà chỉ qua một quá trình thực sự rất thuận tiện. Tôi mong rằng dịch vụ này có thể được mở rộng ngay cả khi COVID-19 kết thúc. Việc đến bệnh viện có thể gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi bạn đang ốm”. Bệnh viện gần nhất dành cho bệnh nhân COVID-19 cũng cách nhà anh Kim Jin-woo đến 1 tiếng đi bộ và chỉ mở dịch vụ vào thứ Hai, thứ Ba, mà cũng luôn kín lịch đặt trước.
Hiện có 2 triệu người Hàn Quốc đang điều trị COVID-19 tại nhà. Trong khi đó, trung bình có 2 bác sĩ/1.000 dân tại Hàn Quốc nhưng chỉ 6/17 tỉnh thành đạt được mức này. Thực tế này cho thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe khá “mỏng” tại nhiều nơi ở Hàn Quốc.
Hiện nay, các dịch vụ khám bệnh từ xa như Doctor Now, Ollacare, Soldoc và Dr.Call đã góp phần kết nối bệnh viện với bệnh nhân ở cách xa hàng chục và hàng trăm km. Doctor Now đã ghi nhận số người sử dụng mới tăng vọt, chủ yếu trong độ tuổi 20 và 30. Tư vấn liên quan đến COVID-19 chiếm tới hơn nửa số trường hợp sử dụng dịch vụ này.
Kể từ tháng 12/2020 đến nay, Doctor Now đã có 2,3 triệu người sử dụng. Tính riêng tháng 2 năm nay, Doctor Now có gần 1 triệu người đăng ký mới, tăng gấp 40 lần so với một năm trước đó.
Tuy nhiên, dịch vụ khám bệnh từ xa tại Hàn Quốc vẫn chưa có nhiều, khiến người sử dụng phải chấp nhận chờ đợi. Kim Jin-woo cho biết anh phải đợi đến 3 tiếng đồng hồ để có thể trao đổi được với bác sĩ. Nhưng Kim Jin-woo không phàn nàn nhiều vì cho rằng việc chờ đợi này vẫn tốt hơn việc không hề được hỗ trợ điều trị.
Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã cam kết “đảm bảo mọi công dân Hàn Quốc có thể tiếp cận dịch vụ khám bệnh từ xa”. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Hàn Quốc, trong 2 năm qua, khám bệnh từ xa vẫn ở giai đoạn khởi đầu và mang lại 58 tỷ won (48 triệu USD).
Trong khi đó, tại Bắc Mỹ, thị trường khám bệnh từ xa riêng trong năm 2020 đạt giá trị 57,26 tỷ USD. Công ty Fortune Business Insights (Ấn Độ) dự đoán đến năm 2028, thị trường khám bệnh từ xa toàn cầu sẽ đạt mức 264 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 127 tỷ USD năm 2020.
Trong nhiều thập niên, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc đã phản đối khám bệnh từ xa vì lo ngại về việc chẩn đoán và kê đơn không chính xác. Tuy nhiên, cộng đồng y khoa tại quốc gia Đông Bắc Á này dần dần ủng hộ khám bệnh từ xa bởi bằng chứng cho thấy dịch vụ này giúp giảm khoảng cách dịch vụ y tế tại thành thị và khu vực nông thôn.
Bác sĩ nhi Han Jae-hyuk tại Seoul chia sẻ: “Ban đầu tôi cho rằng nó sẽ khó khăn và gượng gạo nhưng thực tế lại dễ chịu hơn cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Khám bệnh từ xa là cần thiết, đặc biệt đối với những người không thể đến bệnh viện hoặc cần kê lại đơn thuốc cho bệnh mạn tính”.