Cuộc sống ở Bullingdon luôn mang một màu sắc bí ẩn. Dư luận chỉ lờ mờ biết rằng ban đầu đây là nơi tập hợp của những nam sinh viên Đại học Oxford, đến từ những gia đình dòng dõi, thượng lưu. Những cựu thành viên của câu lạc bộ “nhà giàu” này về sau phát triển và thành đạt, với 4 vị Vua, nhiều chính trị gia, rất nhiều giám đốc điều hành (CEO) trong giới tài chính, công nghiệp... Nổi bật trong số này có cả đương kim Thủ tướng Anh David Cameron, Bộ trưởng Tài chính George Osborne và Thị trưởng London Boris Johnson.
Một bức ảnh chụp các thành viên Câu lạc bộ Bullingdon. Ảnh: DM |
Do các thành viên phải thực hiện điều khoản “lời thề im lặng” (omerta) khi gia nhập, trong một thời gian dài người dân Anh hầu như không biết tường tận về thế giới bí ẩn ở bên trong Bullingdon. Phóng viên tờ Daily Beast đã phần nào phác họa được bức tranh tại câu lạc bộ này, với thông tin có được từ vốn sống 3 năm học tại Đại học Oxford, các dữ liệu thu thập về lịch sử Bullingdon, cùng với các cuộc phỏng vấn gần đây với một số cựu thành viên của câu lạc bộ đình đám này.
Căn phòng được thiết kế theo phong cách Tudor tại khách sạn Monor tráng lệ ở phía bắc Oxfordshire chính là Câu lạc bộ Bullingdon. Nó vẫn sôi động, ồn ã như thường mỗi khi có sự kiện, bất chấp việc dư luận gần đây có cái nhìn thiếu thiện cảm về chốn xa hoa này, khiến nhiều cựu thành viên của câu lạc bộ bị vạ lây. “Họ bước vào đây với dáng vẻ sành điệu như gia đình hoàng gia. Một nửa uống rượu đến say mềm, số còn lại thì hả hê với màn ném bát đĩa”, John Wood, một bồi bàn phục vụ tại quán chia sẻ với phóng viên tờ The Daily Beast (Mỹ).
Dấu tích còn sót lại là bộ quy tắc về hoạt động của câu lạc bộ, được ghi trong một cuốn sách nhỏ màu xanh, chữ vàng, in trên giấy vàng, quy định chi tiết trang phục mà các thành viên về sau này vẫn phải thực hiện. Đồng phục đó bao gồm “Cà vạt xanh nước biển, áo choàng xanh lục, cúc áo màu đồng, áo chẽn màu da bò, quần màu xanh”. Thế nhưng Bullingdon quả thực là một thiết chế xã hội có sức nặng hơn những gì người ta thường nghĩ.
Bullington được thành lập vào năm 1780, chỉ với 30 thành viên, tiền thân là từ một câu lạc bộ cricket. Những tài liệu sơ khởi cho thấy, ngay từ đầu người ta đã không xem môn thể thao này là tiêu chí thực sự của hội. Bằng chứng là “đội tuyển” này luôn thua đau các đối thủ, với 200 trận thua. Đến năm 1846, tài liệu sót lại chỉ ghi mỗi một câu gọn lỏn: “Đội Bullingdon đã đầu hàng”. Từ đây, câu lạc bộ đã bắt đầu chịu tiếng là “tai họa, nỗi ô nhục” đối với một trung tâm đào tạo lừng danh - Đại học Oxford.
Tư liệu, ảnh chụp về các thành viên thuộc Bullingdon trong thế kỉ 19 khiến nhiều người phải bất ngờ. Đó là Bá tước Halifax - Ngoại trưởng Anh dưới thời Thủ tướng Winston Churchill; Ngoại trưởng Anh thời thế chiến thứ nhất Edward Grey, Vua Frederick VII của Đan Mạch, huân tước Dunglass - cha đẻ của Alec Douglas, người sau này trở thành Thủ tướng Anh… Tính chung lại, chỉ trong vòng 50 năm, câu lạc bộ đã “sản sinh” ra một Thủ tướng, ba Bộ trưởng Tài chính, ba Ngoại trưởng, 5 đô đốc hải quân, 50 nghị sĩ quốc hội cùng khoảng 100 nhân vật đứng đầu các địa hạt. Công tước các vùng Norfolk, Northumberland, Westminster, Roxburgh và Buccleah - tất cả đều hiện diện trong ảnh, ngồi bên cạnh những tên tuổi như Vua Edward VIII; Randolph Churchill (cha của Winston Churchill)…
Những chứng từ mà câu lạc bộ còn lưu giữ phần nào cho thấy mức độ xa hoa ở Bullingdon: Một bữa tối tại thời điểm năm 1868 tốn 56 bảng Anh (tương đương 8.000 USD thời điểm hiện nay) chỉ riêng cho 2 thùng rượu sâm panh. Hóa đơn thanh toán hàng năm với một thành viên có thể lên tới 3.000 bảng Anh (350.000 USD theo thời giá hiện tại). Không chỉ thu mình trong câu lạc bộ, những thanh niên này còn có thú vui lui tới các quán rượu bình dân, vừa uống vừa đập phá mọi thứ tùy thích rồi ký hóa đơn đền bù với nét mặc bình thản. Năm 1894, chính quyền phải ra quyết định cấm Bullingdon tổ chức tụ tập trong bán kính 15 dặm (24 km) tính từ trung tâm Oxford, sau vụ đập phá tan tành 543 cửa sổ tại Trường Đại học Christ Church, một trường danh giá nhất trực thuộc Đại học Oxford.
James (đã được đổi tên) - một “trai hư” trong những năm 1980 tại Bullingdon tiết lộ với phóng viên tờ The Daily Beast rằng, thủ tục gia nhập câu lạc bộ rất đơn giản: Được một thành viên giới thiệu và nhận được sự ủng hộ của số còn lại. Thế nhưng nếu tên tuổi và gia thế nghe không thật nổi bật thì ứng viên có thể sẽ bị loại tức thì. Nghi thức tại buổi lễ gia nhập trong thời hiện đại vẫn mang nét huyền thoại như xưa: Những người trong đội vẽ bậy lên tường trong căn phòng của “chủ xị” được kết nạp, phụt sâm panh tung tóe, cắt nát gối đệm, xé ảnh và cuối cùng tung hô “Chúc mừng, anh đã chính thức được lựa chọn”. Số lượng thành viên thường dao động trong khoảng từ 10 - 20 người và câu lạc bộ thường tổ chức 4 sự kiện trong năm, nổi bật là hai buổi tiệc trưa, tiệc sáng. Cũng có lúc câu lạc bộ gặp khó trong việc tuyển mới thành viên, bởi nhiều sinh viên sợ điều tiếng là người của Bullingdon, với những màn ăn chơi tung trời, tiêu tiền không tiếc (đốt tờ 50 bảng ngay trước mặt một kẻ ăn xin) hay phóng xe bạt mạng…
Manor trước đây là một tu viện cổ, được xây dựng từ thế kỉ 11, sau đó được Nữ hoàng Elizabeth I tặng cho Sir Henry Norreys vào thế kỉ 16. Giờ nó được xây dựng lại thành một khách sạn hạng sang. Dưới một cái tên khác, căn phòng sinh hoạt của Câu lạc bộ Bullingdon có trần được ốp gỗ sồi, tường trang trí màu xanh lục, với hàng loạt những dãy bàn lớn bằng gỗ gụ. Căn phòng nằm cách xa phòng ăn lớn, nên khách khứa tại khách sạn hầu như không nhận biết được cuộc sống ở bên trong. Các thành viên của Bullingdon ngày nay vẫn lưu giữ màn “đập phá” truyền thống: Quăng ném đĩa bát, uống đến say mèm. Số tiền bồi thường cũng không đáng lo ngại, chỉ mất vài trăm USD, chưa kể đồ ăn, rượu. Tầm 11 giờ đêm, một chiếc minibus đã đợi sẵn nơi góc phố, đưa những nam sinh viên này quay trở lại trung tâm Oxford để tiếp tục cuộc sống về đêm.
Andrew Gimson, người viết tiểu sử cho Thị trưởng Boris Johnson nhìn nhận, những thành viên của Bullindon thời bồng bột thường có xu hướng thích mạo hiểm hơn người thường, bởi họ nghĩ mình thuộc về giới tinh hoa và luôn tự hào về sự rủng rỉnh tiền bạc, các mối quan hệ. Thực tế, Bullingdon bám rễ rất sâu vào giới ngân hàng và các tập đoàn quốc tế. Nhiều thành viên trong các đế chế ngân hàng kiểu gia đình như Baring, Rothschild đã từng trải qua những năm tháng ở Bullingdon. Sau khi rời câu lạc bộ, nhiều cựu thành viên ở Bullingdon cũng rất nổi bật trong ngành công nghiệp nhôm.
Truyền thông Anh gần đây đôi ba lần chĩa mũi dùi tấn công vào Bullingdon và cá nhân Thủ tướng Cameron. Đáng chú ý có câu chuyện hai ông Cameron và Boris Johnson năm 1988 từng phải nhảy rào gần Queens Lane khi cảnh sát cùng chó nghiệp vụ truy đuổi các thành viên Bullingdon vì hành động đập phá cửa kính tại một nhà hàng. Hai ông này may mắn hơn những người bạn, bởi họ đã không bị bắt và nhốt ở Đồn Cảnh sát Cowley. Thế nhưng những bài viết như thế không đủ sức nóng để khuấy động dư luận. Một phần nguyên nhân là bởi những nhân vật trong các bài được cho là có mối thâm thù với ông Cameron và họ công kích với ý đồ cá nhân. Phần khác là bởi người dân Anh có thiên hướng bảo thủ, chấp nhận Bullingdon là một phần lịch sử. Một số thậm chí còn cho rằng thời thanh niên cần “sôi nổi” và trải nghiệm, miễn sao nói được, chơi được và làm được.
Ngoài khách sạn Manor, giữa Oxford đương đại, người ta vẫn có thể bắt gặp bóng dáng của những thành viên Bullingdon, khi một nhóm nhỏ dăm ba người tụ họp ở căn phòng VIP tại Câu lạc bộ đêm Bridge, gần ga tàu điện. Thế nhưng họ dường như không còn giữ được “khí phách” của những người đi trước. Jeremy Cato, nguyên giáo sư sử học tại Oxford bình luận, những lớp người mới thuộc Bullingdon không còn xứng với lịch sử hoành tráng của câu lạc bộ này. “Bọn họ ngày một lười hơn. Trong quá khứ, các thành viên phi xe thể thao. Ngày nay, lớp người mới chỉ gặp nhau để ăn uống, nhậu nhẹt, nhiều người trong số đó còn chẳng biết cách làm sao để ngồi vững trên yên ngựa”.