Bức tranh trong góc bếp bất ngờ là kiệt tác trị giá hơn 600 tỷ đồng

Kiệt tác từ thời Phục hưng vừa được tìm thấy trong căn bếp của một phụ nữ người Pháp khiến bà trở thành triệu phú.

Chú thích ảnh
Bức tranh trong góc bếp là kiệt tác của danh họa Cimabue trị giá hơn 600 tỷ đồng. Ảnh: AP

Trang Daily Mail (Anh) ngày 27/10 đưa tin bức tranh giá trị này có tên gọi “Christ Mocked” của danh họa Cimabue người Italy từ thế kỷ 13, kể về điển tích Chúa Jesus chấp nhận đội vương miện gai.

“Christ Mocked” được phát hiện vào đầu năm nay. Nó có kích thước 24x20cm và được bán với giá 24 triệu euro (khoảng 617 tỷ đồng).

Ông Dominique Le Coent của nhà đấu giá Acteon, người đã bán tác phẩm cho một vị khách ẩn danh, cho biết đây là mức giá “kỷ lục thế giới” cho một tác phẩm cổ xưa trước năm 1500.

“Đây là một bức tranh độc đáo, lộng lẫy và hoành tráng. Cimabue là thầy của danh họa người Italy Giotto di Bondone – người được mệnh danh là cha đẻ của thời kỳ Phục hưng. Giá bán bức tranh này vượt xa với những gì mà chúng tôi đã kỳ vọng”, ông Le Coent nói.

Một nhà đấu giá đã phát hiện bức tranh vào tháng 6 khi đến nhà một người phụ nữ sống tại Compiegne, miền Bắc nước Pháp và đề nghị bà mang nó đến các chuyên gia để đánh giá. Bức tranh được treo trên bức tường ở giữa nhà bếp và phòng khách của gia đình. Chủ nhân của bức tranh đã không thể ngờ được đây là một kiệt tác quan trọng.

Trước đó, các nhà thẩm định nghệ thuật cho rằng chủ sở hữu bức tranh sẽ nhận được một khoản tiền khổng lồ khi bán bức tranh này. Giá bán dự kiến là từ 4 đến 6 triệu euro (khoảng 102 đến 154 tỷ đồng).

Tuy nhiên, ông Le Coent cho biết các chuyên gia đã định giá sai vì đây là lần đầu tiên một tác phẩm của Cimabue được đưa ra bán đấu giá. “Chưa từng có một bức tranh Cimabue được mang ra bán. Trước đây không có tài liệu tham khảo nào về việc nó có thể bán được bao nhiêu”, ông giải thích.

Chú thích ảnh
Cimabue là bậc thầy hội họa đi đầu trong thời kỳ Phục hưng tại Italy. Ảnh: AP

Các chuyên gia nghệ thuật nhận định đây có thể là một phần của bức tranh lớn hơn mà Cimabue đã vẽ vào khoảng năm 1280. Bộ tranh mô tả tình yêu của Chúa Jesus và sự kiện Chúa Jesus bị đóng đinh.

Trong đó, 2 bức tranh khác của bộ tranh gồm “Chúa bị đánh roi” đang được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Frick ở New York (Mỹ) và “Đức mẹ đồng trinh và em bé cùng hai thiên thần” được trưng bày tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London (Anh). 

Phát hiện bất ngờ này đã tạo ra làn sóng phấn khích trong nền nghệ thuật thế giới. Cimabue là bậc thầy hội họa đi đầu trong thời kỳ Phục hưng tại Italy khi đã phá vỡ phong cách Byzantine phổ biến trong thời trung cổ, bắt đầu kết hợp các yếu tố của phong trào và quan điểm mới ở phương Tây để sáng tạo nghệ thuật.

Các chuyên gia tại phòng trưng bày Turquin ở Paris ban đầu đã kiểm tra bức tranh và kết luận rằng nó mang dấu ấn của Cimabue. 

Nhà đấu giá Acteon cho biết đây là giá bán cao nhất từng được đưa ra cho một bức tranh thời kỳ Phục hưng. Bức tranh giờ đây đứng ngang hàng với các tác phẩm của Leonardo da Vinci, Rubens, Rembrandt và Raphael. Nó là một trong số 10 các bức tranh cổ được bán với giá cao nhất.

Được biết, trên 800 người đã có mặt tại sàn đấu giá với mong muốn sở hữu bức tranh quý hiếm này. 

“Đây là bức Cimabue duy nhất từng có mặt trên thị trường. Sẽ không có thêm một bức Cimabue nào nữa được đấu giá”, đại diện Acteon cho biết.

Hải Vân/Báo Tin tức
Kiệt tác 'Phòng Bích họa' của nước Anh mở cửa đón du khách trở lại
Kiệt tác 'Phòng Bích họa' của nước Anh mở cửa đón du khách trở lại

Du khách đến với thủ đô London của Vương quốc Anh lại sắp có thêm một điểm tham quan hấp dẫn không thể bỏ qua trong lịch trình của mình. Đó là kiệt tác “Phòng Bích họa” (The Painted Hall) mà người dân “xứ sở sương mù” vẫn tự hào ví là “Nhà nguyện Sistine của Vương quốc Anh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN