Brazil triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Ngày 1/12, Bộ Y tế Brazil đã công bố kế hoạch gồm 4 giai đoạn, theo đó phân loại những người bản địa, nhân viên y tế và những người từ 75 tuổi trở lên sẽ là những đối tượng ưu tiên trong chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Hình ảnh mô phỏng vaccine phòng COVID-19 do Hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhóm trong độ tuổi từ 60-74 sẽ là những đối tượng nằm trong giai đoạn ưu tiên thứ hai và những người có bệnh nền như bệnh tim, thận sẽ được tiêm trong giai đoạn ba. Giai đoạn cuối cùng, trước khi đưa vào tiêm đại trà, sẽ bao gồm giáo viên, nhân viên an ninh, nhân viên trại giam và tủ nhân.
Những nhóm đối tượng trong 4 giai đoạn trên chiếm khoảng gần 50% dân số, khoảng 109,5 trong tổng số 212 triệu người.

Theo Bộ Y tế Brazil, nước này sẽ thông qua lần cuối cùng khi rõ ràng vaccine nào sẽ có trước. Một quan chức bộ trên cho biết ứng cử viên lý tưởng nhất với quốc gia Nam Mỹ này là loại tiêm một liều duy nhất, có chi phí phải chăng và có thể vận chuyển và lưu giữ ở nhiệt độ từ 2-8 độ C. Trong số các loại mà Brazil đang xem xét mua, vaccine một liều duy nhất do Janssen, chi nhánh dược phẩm của hãng Johnson & Johnson tại Bỉ phát triển.

Bộ cho biết cho đến nay Brazil đã đảm bảo có thể tiếp cận được 142,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 100,4 triệu liều theo thỏa thuận đã ký với AstraZeneca PLC và 14,5 triệu thông qua chương trình của Liên hợp quốc do hãng Covax đứng đầu.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 2/12, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua Luật tiêm chủng dự phòng sửa đổi nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho việc tổ chức tiêm chủng khi vaccine ngừa COVID-19 được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

Luật tiêm chủng dự phòng sửa đổi của Nhật Bản quy định “nghĩa vụ hợp tác” của người dân đối với việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Các địa phương trên toàn nước Nhật sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tiêm chủng và người dân sẽ không phải chi trả bất cứ khoản kinh phí nào. Người già, người có bệnh nền và các nhân viên y tế là đối tượng sẽ được ưu tiên trong chương trình này.

Bên cạnh đó, Luật này cũng đưa vào điều khoản quan trọng liên quan đến trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xuất hiện biến chứng khi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả toàn bộ kinh phí điều trị cho bệnh nhân xuất hiện biến chứng, đồng thời bồi thường tổn thất cho các công ty dược phẩm nếu bệnh nhân yêu cầu bồi thường.

Để cơ chế thuận lợi cho công tác tiêm chủng vaccine, Chính phủ Nhật Bản sẽ xây dựng hệ thống cần thiết như các kho đông lạnh, tổ chức các buổi tập huấn cho các địa phương… đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để có thể triển khai tiêm chủng vào nửa đầu năm 2021.

Trong thời gian gần đây dịch COVID -19 tại Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm virus, số bệnh nhân nguy kịch và số ca tử vong đều tăng cao kỷ lục. Riêng trong ngày 1/12, Nhật Bản ghi nhận thêm 2.030 ca nhiễm mới, trong đó có 372 ca ở thủ đô Tokyo và 318 ca ở tỉnh Osaka. Các địa phương có số ca nhiễm mới vượt mức 100 ca/ngày gồm: Saitama, Kanagawa, Aichi và Hyogo.

Phương Hoa - Đức Thịnh (TTXVN)
Brazil sẵn sàng tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc
Brazil sẵn sàng tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc

Trong tuần này, bang Sao Paulo của Brazil sẽ nhận lô vaccine ngừa bệnh COVID-19 đầu tiên trong đơn hàng 46 triệu liều vaccine do công ty Sinovac của Trung Quốc bào chế. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN