“Việc mở rộng BRICS có thể biến khối này thành một nhóm khác. Lập trường của Brazil liên quan đến sự gắn kết của nhóm và bảo tồn không gian của chúng tôi trong một nhóm các quốc gia quan trọng”, đài RT (Nga) dẫn lời một quan chức giấu tên của Brazil đưa tin.
BRICS hiện bao gồm 5 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thành lập BRIC từ năm 2009. Sau đó, đến năm 2010, Nam Phi cũng gia nhập nhóm, biến khối này thành BRICS. Kể từ khi thành lập, BRICS đã trở thành nhóm đại diện cho nguyện vọng của các quốc gia đang phát triển, đối trọng với ảnh hưởng toàn cầu của phương Tây.
BRICS hiện chiếm khoảng 40% dân số và gần 1/4 nền kinh tế toàn cầu. Nhóm này đang phát triển các giải pháp thay thế cho các tổ chức tài chính quốc tế thống trị hiện nay, chẳng hạn Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Hàng chục quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS. Gần đây nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Rogelio Mayta xác nhận danh sách các quốc gia sẵn sàng gia nhập BRICS bao gồm cả Bolivia. Cho đến nay, 22 quốc gia đã chính thức đăng ký gia nhập khối này.
BRICS đang thảo luận về những tiêu chí chính thức để kết nạp các ứng viên tiềm năng. Các thành viên trong khối hy vọng họ có thể thống nhất vấn đề này trước hội nghị thượng đỉnh sắp tới diễn ra vào ngày 20 - 22/8 tại Johannesburg (Nam Phi).
Trung Quốc và Nga đã bày tỏ ủng hộ mở rộng BRICS. Nam Phi ủng hộ động thái này với điều kiện là các quy tắc cần được xem xét cẩn trọng. Theo Reuters, Ấn Độ vẫn còn dè dặt, nhưng đã không còn miễn cưỡng như trước đây. Chỉ còn Brazil vẫn chưa ủng hộ kết nạp thêm thành viên.
“Vào một thời điểm nào đó, Brazil sẽ phải nhượng bộ, bởi chúng tôi rất thực tế và bản chất của chúng tôi không phải là ngăn cản mọi nỗ lực mở rộng khối. Nhưng điều đó sẽ không tốt cho chúng tôi”, một quan chức Brazil giấu tên nói.
Quan chức này giải thích rằng Brazil ủng hộ quá trình mở rộng dần dần của BRICS để duy trì sự cân bằng trong khu vực và giữ vai trò ưu việt cho 5 thành viên hiện tại.