Brazil lo ngại nhiều người không tiêm mũi vaccine thứ hai đúng hẹn

Ngày 7/7, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcolo Queiroga bày tỏ lo ngại trước tình trạng hơn 3,5 triệu người dân nước này không tới các điểm tiêm chủng theo lịch hẹn để được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ hai, cho rằng hành động này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới chiến lược miễn dịch cộng đồng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại thành phố Sao Gabriel da Cachoeira, bang Amazonas, Brazil, ngày 3/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, phát biểu tại một buổi họp báo, Bộ trưởng Queiroga khẳng định tất cả các mũi tiêm vaccine đều quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đồng thời kêu gọi những người đã có lịch tiêm mũi thứ hai tiêm phòng theo đúng hẹn để bảo đảm hiệu quả phòng bệnh, đặc biệt là những người cao tuổi vì hệ thống miễn dịch của các đối tượng này dễ bị tổn thương hơn.

Theo thống kê chính thức, 37% dân số Brazil đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, nhưng mới chỉ có 13% hoàn tất mũi thứ hai. Các loại vaccine được sử dụng trong chương trình tiêm chủng đại trà gồm các vaccine của Pfizer, AstraZeneca, Sinovac (hai mũi tiêm) và Johnson&Johnson - loại vaccine sử dụng một mũi tiêm duy nhất. Chính phủ Brazil dự kiến hoàn thành kế hoạch tiêm chủng cho tất cả người dân ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 9 và kết thúc mũi thứ hai vào cuối năm nay.

Brazil hiện là quốc gia Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19. Bộ Y tế nước này công bố thêm 54.022 ca mắc mới và 1.648 ca tử vong trong 24 giờ qua, theo đó nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên gần 19 triệu ca bệnh và 528.540 ca không qua khỏi.

Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến sẽ nhận được những liều vaccine COVID-19 đầu tiên do nước ngoài sản xuất thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, với 3-4 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna có thể sẽ được chuyển đến quốc gia Nam Á này từ nay đến tháng 8 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, COVAX có thể chuyển các liều vaccine của Mỹ đến Ấn Độ sớm nhất trong tháng 7. Người phát ngôn của GAVI, một liên minh vaccine điều hành COVAX cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thông báo tiến trình đàm phán đang diễn ra “để đảm bảo các liều vaccine do Mỹ tài trợ thông qua COVAX có thể đến Ấn Độ nhanh chóng và chúng tôi mong muốn có thể chuyển vaccine đến Ấn Độ sau khi mọi yêu cầu pháp lý được đáp ứng”.

Là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Ấn Độ ban đầu đóng vai trò là nguồn cung chính cho COVAX, song đã buộc phải tạm dừng xuất khẩu vào tháng 4 năm nay do làn sóng lây nhiễm thứ hai, sau khi đã bán hoặc tặng 66 triệu liều. 

Đến nay, Ấn Độ đã tiêm tổng cộng 361,3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 - nhiều thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, trong đó tiêm ít nhất một liều cho 31% trong số 944 triệu người trưởng thành. Chương trình tiêm chủng COVID-19 của Ấn Độ chủ yếu dựa vào vaccine Covishield được sản xuất theo giấy phép của AstraZeneca, cũng như vaccine Covaxin được phát triển trong nước.

Ngày 6/7, Ấn Độ đã tiêm 3,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Quốc gia Nam Á này cần tiêm 10 triệu liều/ngày để đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ người trưởng thành vào tháng 12 tới.

Hoài Nam - Huy Lê (TTXVN)
Hạ viện Brazil thông qua dự luật cho phép hủy bỏ bản quyền vaccine
Hạ viện Brazil thông qua dự luật cho phép hủy bỏ bản quyền vaccine

Hạ viện Brazil ngày 6/7 đã thông qua nội dung chính của một dự luật cho phép phá vỡ bản quyền trong việc sản xuất vaccine và các loại dược phẩm trong các trường hợp tình trạng y tế công khẩn cấp hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN