Thông báo trên đồng nghĩa với việc kế hoạch đưa dòng máy bay này trở lại hoạt động sẽ phải trì hoãn sớm nhất là đến tháng 10, lâu hơn thời gian mà hầu hết các hãng hàng không dự báo.
Cổ phiếu của Boeing đã giảm 3% trong phiên đóng cửa ngày 27/6 khi công ty thông báo với các hãng hàng không về quyết định trên sau khi hãng phát hiện một vấn đề mới của máy bay này trong một chuyến bay giả định bằng mô hình hồi tuần trước.
Trước đó, các máy bay Boeing 737 MAX, dòng máy bay "đắt hàng nhất" của Boeing, đã bị cấm bay trên phạm vi toàn cầu sau khi xảy ra các vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Lion Air tại Indonesia tháng 10/2018 và hãng hàng không Ethiopian Airlines ở Ethiopia tháng 3/2019.
Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS), còn gọi là hệ thống lái tự động trong trường hợp nguy hiểm, được cho là nguyên nhân gây ra các tai nạn thảm khốc trên và khiến hàng trăm người thiệt mạng. Hiện Boeing đang nỗ lực nâng cấp hệ thống MCAS.
Trong khi đó, ngày 27/6, các luật sư của Boeing cho biết đang thương lượng cách giải quyết với các gia đình nạn nhân trong chuyến bay của hãng hàng không Lion Air nhằm tránh kéo dài thời gian và chi phí cho các vụ kiện tụng. Tuy nhiên, gia đình một số nạn nhân trong vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines chưa muốn thương lượng.
Theo luật sư, họ muốn biết điều mà Boeing biết về các lỗi, cũng như cách xử lý để tránh các thảm kịch tương tự trong tương lai, trước khi thương lượng về đền bù thiệt hại. Theo ước tính của Boeing, hãng sẽ tổn thất 1 tỷ USD từ việc giảm sản xuất loại máy bay đắt hàng nhất này vì việc giao máy bay vẫn đang bị đóng băng. Tổn thất trên chưa tính đến số tiền đền bù các nạn nhân và các hãng hàng không liên quan.