Bộ Tứ Normandy kêu gọi thực thi Thỏa thuận Minsk

Rạng sáng 3/10 theo giờ Việt Nam, lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp (hay còn gọi là nhóm Bộ Tứ Normandy) đã kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 5 giờ tại Điện ở thủ đô Paris của Pháp.


Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa, trái) và Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa, phải) tại cuộc gặp song phương trước thềm đàm phán ngày 2/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Các bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi Thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, kêu gọi thực thi đầy đủ thỏa thuận này cũng như để ngỏ khả năng kéo dài thời hạn của thỏa thuận sang năm 2016.


Cuộc gặp thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ Normandy tại Paris gồm hai phần họp hẹp và họp mở rộng. Tham dự cuộc họp hẹp chỉ có Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau đó, trong cuộc họp mở rộng còn có sự tham dự của ngoại trưởng các nước cùng các quan chức cấp cao đi theo đoàn.


Ngay trước khi diễn ra cuộc đàm phán giữa 4 nhà lãnh đạo của nhóm “Bộ tứ Normandy”, Tổng thống Nga Putin đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống nước chủ nhà Hollande và Thủ tướng Đức Merkel. Hãng tin AFP dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên của Pháp cho biết Tổng thống Putin và Tổng thống Hollande đã thảo luận về hoạt động không kích mà cả hai nước đang tiến hành trên lãnh thổ Syria cũng như những nỗ lực nhằm thực hiện sự chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Theo quan chức trên, Nga và Pháp không chính thức "phối hợp" với nhau trong hoạt động không kích ở Syria song thông báo cho nhau nhằm tránh xảy ra các sự cố. Hai nhà lãnh đạo cũng đã nỗ lực thu hẹp bất đồng về vấn đề ban lãnh đạo Syria.


Tổng thống Pháp Hollande cũng tiến hành cuộc gặp riêng với người đồng cấp Ukraine Poroshenko. Tại cuộc gặp, ông Hollande nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh nhóm “Bộ Tứ Normandy” lần này diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi so với các cuộc gặp trước đây. Nhà lãnh đạo Pháp cũng đã nhận lời mời tới thăm chính thức Ukraine trong thời gian tới.


Kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 5 giờ tại Điện Elysee, các bên đã không ký kết văn kiện nào. Chỉ có Tổng thống nước chủ nhà Hollande và Thủ tướng Đức Merkel tham dự cuộc họp báo chung. Thủ tướng Đức Merkel đánh giá các bên đều có thể hài lòng với kết quả của cuộc đàm phán, những vấn đề cụ thể đã được thảo luận và quan điểm của các bên đã xích lại gần nhau hơn. Theo bà Merkel, vấn đề tiếp theo là các bước đi cụ thể sẽ được thực hiện như thế nào. Thủ tướng Đức cho rằng đã không có bất kỳ điều khoản nào của Thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukaine được thực thi đầy đủ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh đã có những kết quả tích cực và Thỏa thuận Minsk vẫn là cơ sở để đạt được hòa bình. Chính vì vậy, bà Merkel để ngỏ khả năng thời hạn của thỏa thuận này có thể sẽ được kéo dài.


Tổng thống Pháp Hollande cũng cho rằng việc thực thi Thỏa thuận Minsk đã có những bước tiến mới giúp tránh những thiệt hại về nhân mạng trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Pháp, thỏa thuận này không chỉ bao gồm việc rút và kiểm soát vũ khí mà còn bao gồm việc thực thi tiến trình chính trị. Ông Hollande cho biết thêm, tại cuộc đàm phán ở Paris, các bên cũng đề cập tới vấn đề ân xá, nhất trí cần phải tăng số lượng các điểm qua lại dọc đường giới tuyến phân chia, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cứu trợ nhân đạo...Đánh giá về vấn đề bầu cử ở miền Đông Ukraine, ông Hollande cho rằng các cuộc bầu cử ở đây cần phù hợp với Thỏa thuận Minsk. Theo đó, sẽ cần ít nhất 3 tháng để tiến hành công tác chuẩn bị nên các cuộc bầu cử này có thể diễn ra sau ngày 31/12 tới. Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp có cùng quan điểm với Thủ tướng Pháp khi cho rằng thời hạn thực thi Thỏa thuận Minsk có thể kéo dài sang năm 2016.


Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã tổ chức cuộc họp báo riêng tại Đại sứ quán Ukraine ở Paris. Ông Poroshenko cho biết tại cuộc đàm phán, các bên đã nhất trí sẽ bắt đầu công tác rà phá mìn tại khu vực Donbass với sự hỗ trợ của Đức và Pháp. Ông Poroshenko cũng kêu gọi Ủy ban Giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) được tiếp cận tất cả các địa điểm ở Donbass, trong đó có khu vực biên giới với Nga. Tổng thống Ukraine hi vọng cuộc bầu cử do lực lượng đòi độc lập tự tuyên bố sẽ không diễn ra vào ngày 18/10 tới.


Tổng thống Nga Putin không tham dự cuộc họp báo chung sau hội đàm. Tuy nhiên, Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov cho biết cuộc gặp thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ Normandy cũng như các cuộc gặp song phương của Tổng thống Putin đã diễn ra rất thiết thực. Ngoài chủ đề Ukraine là trọng tâm trong cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Putin còn thảo thuận các vấn đề Syria, thương vụ tàu chiến Mistral trong các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande. Điện Kremlin cho biết đối thoại trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ Normandy sẽ tiếp tục vào tháng 11 tới với cuộc gặp cấp ngoại trưởng và các bên sẽ duy trì tiếp xúc thường xuyên.


Đây là lần thứ ba kể tháng 6/2014, lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh trong khuôn khổ nhóm “Bộ Tứ Normandy”.


TTXVN/Tin Tức
"Bộ Tứ Normandy" đàm phán về tình hình Ukraine
"Bộ Tứ Normandy" đàm phán về tình hình Ukraine

Tối 2/10 (theo giờ Việt Nam), các nhà lãnh đạo 4 nước Pháp, Đức, Nga, Ukraine hay còn gọi là "Bộ Tứ Normandy" sẽ nhóm họp tại thủ đô Paris (Pháp) nhằm tìm kiếm giải pháp giúp củng cố thỏa thuận hòa bình mong manh tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN