Theo đó, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya-1, Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết nước này sẽ sử dụng các khoản thu nhập từ tài sản bị đóng băng của các nhà đầu tư phương Tây tại Nga. Các biện pháp này sẽ được thực hiện để đáp trả các hành động “không thân thiện” trước đó từ các nước phương Tây.
Ông nói: “Chúng tôi đang làm chính xác như vậy. Nếu các nước phương Tây quyết định sử dụng tài sản và các khoản thu nhập từ tài sản của chúng tôi, phía Nga cũng sẽ thực hiện các hành động thích hợp”.
Ông nêu rõ: “Do đó, chúng tôi cũng đã đóng băng các nguồn lực của các nhà đầu tư phương Tây, những cá nhân tham gia thị trường tài chính phương Tây và các công ty liên quan. Thu nhập từ các tài sản này cũng sẽ được sử dụng”.
Tuy ông Anton Siluanov không nêu cụ thể tổng lượng tài sản của phương Tây do Nga nắm giữ hiện nay. Nhưng theo một số thông tin từng được hãng thông tấn RIA Novosti của Nga đưa ra thì lượng tài sản đang nắm giữ có quy mô gần như tương tự với các khoản của nước này bị đóng băng ở nước ngoài. Hãng thông tấn này cho biết tính đến cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU, G7, Australia và Thụy Sĩ đổ vào Nga lên tới 288 tỷ USD.
Trước đó, Mỹ và các nước đã đóng băng số tài sản của Nga với ước tính có giá trị lên tới 300 tỷ USD kể từ khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022. Phần lớn số tiền này, khoảng 207 tỷ USD đang được giữ tại Trung tâm thanh toán Euroclear có trụ sở tại Brussels. Euroclear ước tính trong 3 quý đầu năm tài chính 2024, các tài sản của Nga này đã tạo ra khoảng 5,4 tỷ USD tiền lãi.
Tháng trước, Mỹ đã công bố quyết định sử dụng số tiền thu được từ tài sản của Nga để tài trợ cho khoản vay trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine. Trong tháng 10, các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng hoàn tất khoản cho vay khổng lồ trị giá tới 50 tỷ USD để cung cấp tài chính hỗ trợ cho Ukraine. Theo đó, khoản cho vay này sẽ sử dụng lợi nhuận tích lũy từ các tài sản của Nga hiện đang bị phong tỏa ở phương Tây và Ukraine sẽ không phải trả nợ cho khoản vay trên cho các nước phương Tây.
Nga nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng việc tịch thu các tài sản có chủ quyền của nước này là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu. Điện Kremlin trước đó đã nói rằng Chính phủ Nga sẽ tiến hành truy tố những cá nhân có liên quan đến việc “đánh cắp” tài sản nước này.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã nhiều lần cảnh báo rằng bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga đều phải có cơ sở pháp lý đầy đủ.
Bộ trưởng Tài chính Nga cũng từng đưa ra cảnh báo khi cho rằng các “thế lực toàn cầu” đang theo dõi sát sao câu chuyện này và tự rút ra kết luận riêng.