Trong một thông báo, Bộ Tài chính Mỹ cho biết bà Yellen đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương và khẳng định sẽ làm việc chặt chẽ hơn với giới lãnh đạo EU nhằm giải quyết những thách thức lớn như chấm dứt đại dịch COVID-19, hỗ trợ mạnh mẽ sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đấu tranh loại bỏ bất bình đẳng thu nhập và xử lý kiên quyết mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.
Bà Yellen cam kết tái tham gia vào các cuộc thảo luận về thuế để tạo ra một thỏa thuận quốc tế kịp thời, cũng như tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thương mại song phương quan trọng.
Trước đó, cùng ngày, bà Yellen cũng có cuộc điện đàm với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde, trong đó bà nhấn mạnh đến cách thức làm sâu sắc hơn mối hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong kinh tế và thương mại.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng hàn gắn rạn nứt trong mối quan hệ với các đồng minh châu Âu về tất cả các lĩnh vực sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra những chính sách cứng rắn làm "mất lòng" những đồng minh thân cận này. Hồi tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đã hoan nghênh động thái của Chính phủ Mỹ trong việc xem xét lại các mức thuế áp đặt với các hàng hóa nhập khẩu từ liên minh này, đồng thời khẳng định sẵn sàng đối thoại với Washington nhằm giải quyết các xung đột thương mại.
Mỹ và các nước châu Âu cũng đang nỗ lực thúc đẩy và hoàn tất các cuộc đàm phán toàn cầu về áp thuế đối với các hãng công nghệ lớn do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chủ trì. Gần 140 nước đã tham gia vào các cuộc đàm phán này với nội dung về những điều chỉnh lớn đầu tiên đối với các quy định về thuế trên toàn cầu cho phù hợp với kỷ nguyên số. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã đình trệ dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Trump sau khi người tiền nhiệm của bà Yellen là ông Steven Mnuchin quyết định rút Mỹ khỏi tiến trình này.