Thủ tướng Anh Theresa May nhận một đòn giáng mạnh trên một ngày sau khi Anh và EU công bố dự thảo thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit.
Trong thư từ chức đăng tải trên tài khoản Twitter, ông Raab thể hiện sự bất đồng đối với những điều khoản được đề cập trong dự thảo thỏa thuận. Theo ông Raab, các điều khoản thỏa thuận liên quan đến vấn đề biên giới Bắc Ireland tạo ra mối đe dọa thực sự đối với toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh. Nhà ngoại giao Raab nêu rõ quan điểm cá nhân của ông, đó là phản đối một thỏa thuận quy định tự do đi lại tại khu vực biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland.
Trước đó, cùng ngày 15/11, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Bắc Ireland, ông Shailesh Vara cũng đã quyết định đã từ chức do bất đồng quan điểm với chính phủ của Thủ tướng May liên quan đến dự thảo thỏa thuận này.
Sau khi nhận được sự ủng hộ của Nội các, tối 14/11, Anh và EU đã công bố dự thảo thỏa thuận Brexit bao gồm ý tưởng thiết lập một "lưới an ninh" nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland; toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với EU và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên được hoàn tất.
Hiện bản dự thảo thỏa thuận Brexit cần được Quốc hội Anh thông qua, tuy nhiên đây được dự báo là một tiến trình đặc biệt khó khăn. Hiện có 40 khoảng nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận. Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người từ chức hồi tháng 7 do bất đồng với bà May trong vấn đề Brexit, cho rằng với thỏa thuận này, Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan và trên thực tế cũng sẽ ở lại thị trường chung châu Âu. Ông cho rằng điều đó sẽ biến nước Anh trở thành một "chư hầu" của EU vì họ không còn được tham gia vào quá trình ra quyết định của khối.