Báo cáo của Bộ cho biết việc điều chỉnh dữ liệu giảm phản ánh mức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vào thời điểm mua sắm cuối năm ngoái thấp hơn so với các ước tính trước đó.
Một số ý kiến trong giai đoạn đầu năm nay đã dự báo khả năng nền kinh tế sẽ có chiều hướng "hạ nhiệt". Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế tích cực đang cho thấy kinh tế Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì trạng thái mạnh mẽ trong thời gian tới. Bộ Lao động Mỹ ngày 23/2 cũng đã công bố số lượng đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp theo tuần là 192.000 đơn, mức đăng ký theo tuần thấp nhất trong vòng 53 năm qua. Cùng với chỉ số việc làm nêu trên, các tín hiệu tích cực từ doanh số bán lẻ tháng 1/2023 và hoạt động kinh doanh tháng 2/2023, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, có thể tiếp tục khiến giá cả có chiều hướng tăng và tạo thêm thách thức cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong nỗ lực đưa ra các biện pháp kiềm chế lạm phát.
Biên bản cuộc họp tháng 1/2023 vừa được công bố của Fed cho biết lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%, trong khi thị trường lao động vẫn thắt chặt, góp phần tiếp tục gây áp lực lên tiền lương và giá cả. Các dữ liệu kinh tế tháng 1 cho thấy lạm phát đang giảm với tốc độ thấp hơn so với mức đỉnh vào mùa Hè năm 2022 nhưng tốc độ này vẫn đang tăng lên.
Thị trường lao động nóng cho thấy việc Fed tăng lãi suất vẫn chưa tác động vào phần lớn nền kinh tế. Thị trường dự báo sẽ có khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm nữa vào tháng 3, và tăng thêm vài lần nữa để đưa lãi suất cơ bản lên mức cao nhất là 5,5%. Kể cả khi lãi suất rơi vào khoảng giữa của mục tiêu này thì đây vẫn sẽ là mức cao nhất kể từ năm 2001. Thị trường cũng lo ngại nếu Fed tăng lãi suất quá nhanh hoặc quá cao có thể sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.