Theo phóng viên TTXVN tại Đức, quyết định trên của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức, với sự chấp thuận của ông Gramm, cho thấy quyết tâm loại bỏ những người cực đoan cánh hữu khỏi các lực lượng vũ trang Đức. Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh Cục trưởng Gramm dù đã tiến hành cải cách để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan cánh hữu trong quân đội và cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể, song quân đội Đức vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer ngày 24/9 tới trụ sở MAD ở Köln để gặp ông Gramm trao đổi về vấn đề này. Theo Bộ Quốc phòng Đức, ông Gramm sẽ được miễn nhiệm chức vụ vào tháng tới và sẽ nghỉ hưu sớm, trong khi người kế nhiệm sẽ sớm được lựa chọn và công bố.
Một số vụ bê bối trong vài tháng qua đã càng làm gia tăng những quan ngại về ảnh hưởng của các nhóm cực hữu trong quân đội Đức, một chủ đề được coi là nhạy cảm ở Đức liên quan thời Đức quốc xã. Hồi tháng 6/2020, Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer thông báo giải tán một đơn vị trong Lực lượng đặc nhiệm (KSK) của quân đội Đức do có liên quan tới chủ nghĩa cực đoan.
Trước đó, cảnh sát đã thu giữ vũ khí, chất nổ và đạn dược trong một cuộc đột kích vào nhà riêng của một binh sĩ thuộc KSK ở bang Sachsen. Sau các vụ việc này, Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer đã yêu cầu ông Gramm, trên cương vị đứng đầu MAD, không thể để xảy ra bất kỳ rủi ro nào trong việc truy quét các binh sĩ cực hữu trong quân đội. Trong vài tháng qua, MAD liên tục là chủ đề nóng liên quan tới nỗ lực truy quét các binh sĩ cực hữu cũng như việc làm rõ về các mạng lưới cánh hữu tiềm tàng trong quân đội Đức.
Theo quan điểm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đức, MAD đã điều tra quá lỏng lẻo các binh sĩ khả nghi và quá chậm chạp trong việc điều tra các mạng lưới tiềm tàng. MAD cũng mới chỉ được biết sẽ có liên hệ chặt chẽ hơn với Cục Bảo vệ Hiến pháp (BfV) - cơ quan tình báo nội địa của Đức, và Cục Cảnh sát Hình sự liên bang (BKA) nhằm tăng cường hiệu quả trong nỗ lực chống lại các mạng lưới cánh hữu.