Theo ước tính của Bloomberg Economics, khoảng 80 tỷ USD tiền tiết kiệm của Nga nằm rải rác dưới dạng tiền mặt, bất động sản và đầu tư vào các chi nhánh ở nước ngoài.
Nhà kinh tế Maria Shagina tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh) cho biết: “Do sự chậm trễ của châu Âu trong việc nhắm mục tiêu vào ngành năng lượng của Nga, Điện Kremlin đã có thể tích lũy được một trong những khoản thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất trong lịch sử của mình”. Theo bà, điều này trên thực tế đã phủ nhận sức ảnh hưởng từ việc đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga vào tháng 3/2022, vì Nga có thể lấy lại những gì đã mất.
Về khoản tích lũy tài sản quốc tế vào năm ngoái, Nga đã bổ sung tương đương khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội. Con số này gần với mức trung bình của giai đoạn 2009-2013 – thời điểm giá dầu tăng cao và ngân hàng trung ương đưa ra các biện pháp can thiệp ngoại hối.
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Nga Alexander Isakov, việc tích lũy tài sản quốc tế là bắt buộc chứ không phải cố ý. Số phận của các tài sản của Nga ở nước ngoài đang ngày càng được chú ý, trong bối cảnh những nước ủng hộ Ukraine như Canada và Đức đã đưa ra ý tưởng sử dụng hàng tỷ USD tài sản bị đóng băng của Nga để giúp Ukraine tái thiết sau xung đột.
Theo ông Alexander Knobel tại Học viện Ngoại thương Nga, khi Liên minh châu Âu (EU) giảm phụ thuộc hơn vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, có khả năng các khoản tiền của Nga ở nước ngoài sẽ trở thành một mục tiêu trừng phạt.
Loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây năm ngoái đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga, khiến nó có ít lựa chọn đầu tư ngoài đồng nhân dân tệ và vàng.
Với giá hàng hóa thấp hơn và việc những lệnh cấm mới đối với ngành xuất khẩu dầu mỏ có hiệu lực, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đã giảm mạnh. Ngân hàng Trung ương Nga dự báo thặng dư tài khoản vãng lai sẽ ở mức 66 tỷ USD trong năm nay, đạt 48 tỷ USD vào năm 2024 và đạt 41 tỷ USD vào năm 2025.