Biến thể Delta tạo thêm sức ép cho kinh tế cho Trung Quốc

Biến thể Delta gây ra những nguy cơ mới đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khi dịch bệnh lây lan từ khu vực duyên hải miền đông tới các thành phố lớn nằm sâu trong nội địa.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Nam Kinh, Giang Tô. Ảnh: THX/TTXVN

Một tháng sau khi COVID-19 gây ra đứt gãy trong hoạt động giao thương tại trung tâm xuất khẩu lớn Quảng Đông, những ca nhiễm biến thể Delta đã được ghi nhận ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô ở duyên hải miền Đông, vào hôm 20/7.

Liền sau đó, chùm ca bệnh này đã lây lan sang nhiều tỉnh, thành phố ở miền nam và một số ở miền bắc trong đó có thủ đô Bắc Kinh. Tính đến ngày 1/8, Trung Quốc ghi nhận 353 ca lây nhiễm cộng đồng trong đợt dịch mới này.

Giang Tô, tỉnh có đóng góp sản lượng kinh tế lớn thứ hai sau Quảng Đông trong tổng GDP cả nước, là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất, chiếm 80% số ca mắc mới. Với việc Delta là biến thể có mức lây nhiễm mạnh hơn nhiều so với chủng gốc, Trung Quốc đang đứng trước thách thức mới trong kiểm soát dịch bệnh. Nhiều thành phố đã phát đi cảnh báo ngừng hoạt động di chuyển không cần thiết, yêu cầu người dân phải trình xét nghiệm âm tính khi đi lại, kết hợp với biện pháp xét nghiệm diện rộng.

Giới hoạch định chính sách tại Trung Quốc đang đứng trước sức ép lớn, khi vừa phải bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời không để dịch bệnh tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế. Thách thức xuất hiện tại thời điểm kinh tế Trung Quốc cũng có điểm dễ bị tổn thương. Tăng trưởng GDP trong quý 2 thấp hơn mức kỳ vọng, do giá nguyên liệu thô đầu vào cho sản xuất tăng, người tiêu dùng dè dặt chi tiêu, thị trường bất động sản trầm lắng.

Theo Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại quỹ Capital Economics, biến thể Delta sẽ là bài thử nghiệm khắc nghiệt nhất đối với chiến lược “nhổ tận gốc” COVID-19 mà Bắc Kinh luôn áp dụng kể từ khi dịch bùng phát tại Vũ Hán. Có thể Trung Quốc sẽ dập dịch thành công, không để lây lan mất kiểm soát, nhưng những biện pháp chống dịch cũng gây ra thiệt hại kinh tế.

Dương Châu, thành phố thuộc Giang Tô và gần Nam Kinh, đã phải đối diện với số ca mắc COVID-19 mới tăng nhanh trong gần một tuần trở lại đây. Nhiều nhà máy, công ty hậu cần (logistics) ở đô thị 5 triệu dân này đã buộc phải đóng cửa, khi nhân công xêp hàng dài để chờ đến lượt xét nghiệm, với quy trình ba lần trong một tuần.

Đối với một số thành phố khác, ngành du lịch được dự báo sẽ gặp khó khăn trong tháng 8, vốn là cao điểm trong mùa du lịch. Thành phố du lịch Trương Gia Giới ở tỉnh Hồ Nam đã bán phong tỏa toàn bộ 1,5 triệu dân và đóng cửa tất cả điểm tham quan du lịch hôm 30/7.

Theo điều tra sơ bộ, ca nhiễm tại tỉnh này có thể liên quan chùm ca bệnh ở Nam Kinh. Giới chức đang nỗ lực truy vết toàn quốc những người gần đây đến Nam Kinh hoặc Trương Gia Giới và kêu gọi du khách không đến các khu vực xuất hiện ca nhiễm.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Reuters)
COVID-19 tới 6 giờ ngày 3/8: Thế giới sắp vượt 200 triệu ca bệnh; Trung Quốc báo động đợt sóng dịch mới
COVID-19 tới 6 giờ ngày 3/8: Thế giới sắp vượt 200 triệu ca bệnh; Trung Quốc báo động đợt sóng dịch mới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 446.661 trường hợp mắc COVID-19 và 7.089 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 199,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,24 triệu người không qua khỏi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN