Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong với 35.018.753 ca, trong đó 624.983 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 31.181.493 ca mắc và 414.657 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 19.391.845 ca mắc, trong đó có 542.877 ca tử vong.
Biến thể Delta là nguyên nhân chính khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước châu Âu trở nên phức tạp. Châu lục này trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới vượt qua mốc 50 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu hiện ghi nhận khoảng 1 triệu ca mắc mới sau mỗi giai đoạn 8 ngày và đã có tổng cộng 1,3 triệu ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca nhiễm của châu Âu đã chiếm 27% tổng số ca mắc COVID-19 toàn cầu và chiếm 31% số ca tử vong. Nga là nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất và sắp vượt mốc 6 triệu ca nhiễm.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal ngày 19/7 cho biết nước này đã chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 4. Động thái của Chính phủ Pháp diễn ra trong bối cảnh nước này có ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận số ca mới trên 10.000 ca do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.
Kế hoạch mới của Pháp có thể bao gồm một số biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh nghiêm khắc nhất tại châu Âu, như yêu cầu phải có chứng nhận y tế đối với những người đến các địa điểm tập trung đông người gồm nhà hàng và rạp chiếu phim, yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc đối với nhân viên y tế.
Còn tại Anh, chính phủ nước này khẳng định sẽ không tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi mà chỉ tiêm cho những em có bệnh lý đặc biệt và dễ bị tổn thương. Lý do là các chuyên gia y tế vẫn đang xem xét các tác dụng phụ tiềm ẩn của chế phẩm này đối với trẻ em.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo chính sách mới, theo đó những người đến các hộp đêm và những địa điểm tập trung đông người khác sẽ phải có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, thay vì chỉ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Chính sách này sẽ được thực thi từ cuối tháng 9 tới. Thủ tướng Johnson cũng nhấn mạnh khoảng 35% dân số từ 18 đến 30 tuổi ở Anh vẫn chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, cảnh báo rằng "một số lĩnh vực quan trọng trong đời sống có thể ngày càng phụ thuộc vào việc tiêm chủng".
Tới nay, gần 70% dân số trưởng thành ở Anh đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, Anh đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới với sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh. Chiến dịch tiêm chủng gần đây có dấu hiệu chững lại khi những người trẻ tuổi có tâm lý không muốn tiêm vaccine.
Còn tại châu Á, Indonesia vẫn là điểm nóng của dịch bệnh. Bộ Y tế Indonesia thông báo đã ghi nhận 38.325 ca mắc mới và 29.791 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Bất chấp các nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 liên tục "lập đỉnh", ngày 20/7, người dân Indonesia vẫn cầu nguyện bên ngoài các thánh đường cũng như tổ chức các sự kiện truyền thống để kỷ niệm lễ hiến sinh Eid al-Adha. Đây là lần thứ 2 kể từ khi xảy ra đại dịch, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất trên thế giới này tổ chức lễ Eid al-Adha, diễn ra vào thời điểm kết thúc mùa hành hương hằng năm đến Thánh địa Mecca.
Theo kế hoạch, việc thực hiện lệnh Hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) Khẩn cấp trên đảo Java và Bali sẽ kết thúc trong ngày 20/7. Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng, nhưng đến nay Chính phủ Indonesia vẫn chưa chính thức ra lệnh gia hạn PPKM hay đưa ra các biện pháp khác.
Tính đến nay, Indonesia ghi nhận trên 2,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 75.000 người không qua khỏi. Do tỷ lệ xét nghiệm và truy vết ở nước này còn thấp, nên giới chuyên gia cho rằng số người mắc và tử vong do COVID-19 trên thực tế còn cao hơn nhiều.
Cùng ngày, Tổng thống Joko Widodo thông báo chính phủ nước này sẽ dần nới lỏng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ ngày 26/7 tới nếu số ca mắc COVID-19 sụt giảm.
Còn tại Lào, Bộ Y tế thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 170 ca mắc mới COVID-19, đều là người nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay tại Lào. Ngày 20/7, ngày đầu tiên Lào thực hiện đợt phong tỏa lần thứ 6, nước này không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực, đặc biệt là ở các nước láng giềng của Lào vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Y tế Lào yêu cầu các tỉnh Trung và Nam Lào, nơi đang có lây nhiễm trong cộng đồng hoặc tiếp nhận số lượng lớn ca bệnh nhập cảnh cần khẩn trương mở rộng quy mô tiếp nhận điều trị, tăng cường nguồn nhân lực y tế; đồng thời nghiên cứu cơ chế phối hợp và hỗ trợ giữa các địa phương để đảm bảo công tác phòng và điều trị COVID-19 hiệu quả. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 3.710 ca mắc COVID-19 và 5 người tử vong.
Iran cũng vật lộn với số ca mắc mới tăng nhanh. Bộ Y tế Iran cho biết đã ghi nhận thêm 27.444 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3.576.148 ca. Iran cũng ghi nhận thêm 250 ca tử vong, đưa số bệnh nhân không qua khỏi do dịch bệnh này lên 87.624 ca.
Cùng ngày, Nội các Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng cho tới cuối tháng 9 nhằm ứng phó với tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Phó phát ngôn viên chính phủ Traisuree Taisaranakul cho biết việc gia hạn từ ngày 1/8 đến ngày 30/9 là theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), đơn vị phụ trách các hoạt động của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của chính phủ. Theo bà Traisuree, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp là cần thiết để tạo điều kiện cho việc triển khai nhanh chóng và tích hợp các biện pháp kiểm soát COVID-19 vì lợi ích an toàn cộng đồng. Quyết định này là để ứng phó với việc hàng nghìn ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận hàng ngày ở vùng Bangkok mở rộng.
Quốc gia Đông Nam Á này ngày 20/7 ghi nhận thêm 11.305 ca mới cùng 80 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 426.475 ca, trong đó có 3.502 người không qua khỏi. Vùng đô thị Bangkok mở rộng gồm thủ đô và các tỉnh lân cận có nhiều ca mới nhất, với 5.468 ca nhiễm cùng 45 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Cùng ngày, hãng dược phẩm Roche của Thụy Sĩ thông báo Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc kháng thể Ronapreve để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình.
Trong tuyên bố, Roche cho biết Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã phê chuẩn loại thuốc này. Việc phê chuẩn được đưa ra dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn 3, theo đó hỗn hợp kháng thể trong thuốc (gồm bộ đôi 2 kháng thể đơn dòng Casirivimab và Imdevimab) giúp giảm đáng kể nguy cơ các bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ tới trung bình diễn biến nặng đến mức phải nhập viện hoặc tử vong.
Thuốc Ronapreve do hãng dược Thụy Sĩ Roche và công ty công nghệ sinh học Mỹ Regeneron hợp tác phát triển.