Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu đang cận kề và việc tìm giải pháp để ngăn chặn nhằm bảo vệ hệ thống thương mại toàn cầu cần trở thành ưu tiên hàng đầu.
Hiện tại, châu Âu có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và thế giới nói chung. Chẳng hạn, thặng dư thương mại của Đức với Mỹ năm 2024 dự kiến vượt 67 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2017.
Tổng thống Trump từ lâu đã bày tỏ sự bất mãn khi EU không mua nhiều xe hơi, thiết bị quân sự và nông sản của Mỹ. Thậm chí, có tin đồn rằng ông bị ám ảnh bởi số lượng xe Đức xuất hiện trên đường phố Manhattan.
Do đó, chính quyền của Tổng thống Trump chắc chắn sẽ tìm cách giảm bớt mất cân bằng thương mại này. Từ góc nhìn của Washington, giải pháp đơn giản là áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ EU, nhưng đây sẽ là hướng đi sai lầm. Biện pháp này không chỉ gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ mà còn kích động các biện pháp trả đũa.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế lên hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu, tương đương 80 tỷ USD thuế mới đánh vào người Mỹ trong giai đoạn 2018-2019. Hậu quả là vào cuối năm 2018, các biện pháp trả đũa từ nước ngoài khiến xuất khẩu của Mỹ thiệt hại khoảng 2,4 tỷ USD mỗi tháng.
Theo các nhà kinh tế Mary Amiti, Stephen J. Redding và David E. Weinstein, chỉ riêng các biện pháp thuế quan năm 2018 đã làm giảm thu nhập thực tế của Mỹ khoảng 1,4 tỷ USD mỗi tháng. Quỹ thuế vụ Mỹ (Tax Foundation) ước tính rằng tất cả các biện pháp thuế được áp dụng từ năm 2016 đã khiến GDP Mỹ giảm 0,2%, vốn đầu tư giảm 0,1% và làm mất khoảng 142.000 việc làm toàn thời gian.
Tăng cầu nội địa châu Âu và củng cố đồng euro
Vấn đề cốt lõi của thặng dư thương mại châu Âu với Mỹ không nằm ở chính sách thương mại mà ở sự mất cân bằng nhu cầu nội địa.
Tại châu Âu, nhu cầu tiêu dùng tư nhân bị kìm hãm bởi mức lương thấp, trong khi chi tiêu công bị giới hạn bởi các quy tắc tài khóa nghiêm ngặt ở cả cấp độ quốc gia và EU. Nếu EU nới lỏng một số quy định này, chẳng hạn như bãi bỏ chốt chặn nợ công của Đức, nhu cầu nội địa sẽ tăng lên, từ đó thu hẹp thặng dư thương mại một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, một sự tái cân bằng nhu cầu giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ làm suy yếu đồng USD, điều mà ông Trump đã nhiều lần phàn nàn. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hiểu rõ rằng việc áp thuế chỉ khiến đồng USD mạnh lên, từ đó làm cho chiến lược giảm thâm hụt thương mại trở nên kém hiệu quả.
Thay vì sử dụng thuế quan, Mỹ có thể khuyến khích châu Âu tăng chi tiêu quân sự. Một cách đơn giản để thúc đẩy nhu cầu nội địa EU là yêu cầu các nước thành viên thực hiện cam kết chi tiêu quốc phòng 2% GDP theo thỏa thuận NATO, điều mà nhiều nước vẫn chưa đáp ứng trong suốt một thập kỷ qua.
Thậm chí, các nước EU có thể được đề nghị nâng chi tiêu quốc phòng lên 3-3,5% GDP trong một thời gian ngắn. Điều này không chỉ giúp châu Âu củng cố năng lực phòng thủ mà còn cho phép Mỹ cắt giảm đóng góp ngân sách cho NATO, qua đó giúp giảm thâm hụt ngân sách liên bang.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi EU, đặc biệt là Đức, phải nới lỏng các quy định tài khóa. Khi Berlin đạt mốc 2% GDP chi tiêu quốc phòng vào năm 2024, họ đã phải sử dụng một quỹ công đặc biệt nằm ngoài phạm vi ngân sách liên bang. Điều này đã bị Tòa án Hiến pháp Đức phản đối, khiến việc duy trì mức chi tiêu này trong năm 2025 trở nên khó khăn nếu không có sự thay đổi trong các quy tắc tài khóa.
Hợp tác tài khóa: Một giải pháp thay thế chiến tranh thương mại
Một cách tiếp cận rộng hơn là thảo luận về điều chỉnh tài khóa ở cả hai bờ Đại Tây Dương nhằm làm suy yếu đồng USD và thúc đẩy cân bằng thương mại. Các nhà hoạch định chính sách có thể đặt mục tiêu này làm trọng tâm và cân nhắc các biện pháp can thiệp tiền tệ.
Bộ trưởng Bessent gần đây đã nhắc lại Hiệp ước Plaza năm 1985, một thỏa thuận quốc tế nhằm làm suy yếu đồng USD để giải quyết căng thẳng thương mại. Nếu Washington và Brussels có thể tìm ra một chiến lược tương tự, cả hai bên sẽ cùng có lợi.
Việc điều phối chính sách kinh tế vĩ mô, bắt đầu bằng việc tăng chi tiêu quốc phòng ở EU và hỗ trợ các biện pháp củng cố đồng euro, sẽ giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại mà không cần áp thuế. Đây là hướng đi có lợi cho cả hai bên, trái ngược hoàn toàn với một cuộc chiến thương mại chỉ mang lại tổn thất cho tất cả.