Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, tuyên bố trên tài khoản mạng xã hội X, CCE nhấn mạnh Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2020 - đã thiết lập các quy tắc nhằm giảm rào cản thương mại, dịch vụ và đầu tư, qua đó củng cố vị thế của khu vực. Hiện nay, mỗi phút, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa ba nước thành viên lên đến 3 triệu USD, góp phần tạo ra hơn 17 triệu việc làm.
Trong tuyên bố, CCE chia sẻ mối quan ngại sâu sắc với các doanh nghiệp thành viên trước quyết định áp thuế của Mỹ, đồng thời tái khẳng định rằng hợp tác khu vực là con đường duy nhất, đặc biệt khi hội nhập thương mại đã mang lại lợi ích rõ ràng cho doanh nghiệp và người lao động của ba thành viên USMCA.
Theo CCE, tổ chức bao gồm hàng ngàn doanh nghiệp thành viên tại Mexico, cũng kêu gọi Chính phủ Mexico, Mỹ và Canada nối lại các cuộc đối thoại, đồng thời tìm giải pháp nhanh chóng nhằm khôi phục việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ theo các quy tắc đã được thống nhất trong USMCA.
Trong một diễn biến liên quan, Viện Quản lý Tài chính Mexico (IMEF) cùng ngày bày tỏ lo ngại về tác động của mức thuế 25% do Mỹ áp đặt đối với Mexico và Canada, cho rằng biện pháp này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, hội nhập khu vực và khả năng cạnh tranh của Bắc Mỹ trong bối cảnh toàn cầu đang có nhiều biến động, đòi hỏi sự đoàn kết và tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Tuyên bố trên mạng xã hội X, IMEF nêu rõ quan hệ đối tác giữa ba nước thành viên USMCA cần dựa trên quan điểm hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, khẳng định đây là chìa khóa để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, đồng thời củng cố liên minh chiến lược giúp khu vực cạnh tranh hiệu quả với các khu vực khác trên thế giới.
Trong khi đó, IMEF cũng cảnh báo thuế quan có thể tác động trực tiếp đến người tiêu dùng ở cả ba nước, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát, làm gia tăng tâm lý bất ổn của các nhà đầu đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Mexico đang có nhiều dấu hiệu giảm tốc. Cùng lúc đó, IMEF cũng hối thúc Chính phủ Mexico xây dựng các chương trình hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp doanh nghiệp Mexico bị ảnh hưởng bởi thuế quan duy trì hoạt động, bảo vệ việc làm, tìm kiếm nguồn cung thay thế và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cùng ngày, Phòng Công nghiệp Chế tạo Quốc gia Mexico (Canacintra) cảnh báo mức thuế mới sẽ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ và các chuỗi sản xuất có sự tham gia của các công ty ở cả ba nước, đồng thời có thể khiến 1,8 triệu việc làm tại Mexico bị ảnh hưởng. Tuyên bố của Canacintra nhấn mạnh các chuỗi sản xuất này đã giúp tỷ lệ thất nghiệp ở Mexico xuống mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi GDP bình quân đầu người của Mỹ đạt mức cao kỷ lục, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và người lao động tại ba quốc gia.
Tổ chức này cảnh báo các biện pháp thuế quan mà Chính phủ Mỹ vừa áp đặt sẽ làm méo mó việc phân bổ nguồn lực, cản trở việc tận dụng lợi thế so sánh giữa các quốc gia và gây ra những tác động tiêu cực đối với thương mại khu vực. Tổ chức cũng này nhấn mạnh Mexico là một quốc gia có tính cạnh tranh cao và là đối tác chiến lược của các nước trong khu vực, do đó, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng mà không phụ thuộc vào doanh nghiệp Mexico sẽ là một quá trình lâu dài và tốn kém.
Trước đó, hôm 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, và 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 4/2.