Biến đổi khí hậu: Tranh cãi giữa quốc đảo nhỏ và các cường quốc phát thải

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) mới đây đã kết thúc phiên điều trần kéo dài hai tuần nhằm làm rõ trách nhiệm pháp lý của các quốc gia trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Các thẩm phán tại phiên họp của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tại Lahay, Hà Lan, ngày 19/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trọng tâm của phiên điều trần là liệu các quốc gia phát thải lớn có phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những thiệt hại mà họ gây ra cho các quốc đảo nhỏ, vốn đang gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất từ cuộc khủng hoảng khí hậu hay không.

Trong quá trình tranh luận, các quốc gia phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia và một số thành viên Liên minh châu Âu khẳng định rằng Thỏa thuận Paris và các hiệp ước khí hậu hiện hành nên được xem là nền tảng pháp lý chính, dù chúng không có tính ràng buộc. Các đại diện cho rằng ưu tiên hiện nay là thực hiện các cam kết tự nguyện nhằm giảm phát thải thay vì áp dụng các biện pháp pháp lý chặt chẽ hơn.

Ngược lại, các quốc đảo nhỏ như Vanuatu và Tuvalu kêu gọi áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn để buộc các quốc gia phát triển cắt giảm khí thải và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước dễ bị tổn thương. Tiến sĩ Eselealofa Apinelu - đại diện của Tuvalu, cảnh báo trước tòa: “Nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại, Tuvalu sẽ hoàn toàn chìm dưới nước biển”.

Phiên điều trần có sự tham gia của gần 100 quốc gia và tổ chức quốc tế với mục tiêu đưa ra ý kiến tư vấn cho ICJ. Mặc dù không mang tính ràng buộc, ý kiến này được kỳ vọng sẽ tạo ra một tiền lệ pháp lý quan trọng và làm cơ sở cho các vụ kiện về biến đổi khí hậu tại các tòa án trên toàn cầu - từ châu Âu đến châu Mỹ Latinh.

Chú thích ảnh
Cảnh tàn phá sau bão Trami tại tỉnh Batangas, Philippines, ngày 25/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Bà Nikki Reisch - Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng tại Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế nhận định: “Sức mạnh của phán quyết ICJ không chỉ nằm ở khả năng thực thi mà còn ở thông điệp rõ ràng mà nó gửi đến các tòa án trên toàn thế giới, giúp định hình nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.”

Các quốc đảo nhỏ - vốn chịu tổn thất trực tiếp và nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu - đã dẫn đầu sáng kiến này. Nỗ lực khởi đầu từ lời kêu gọi của Vanuatu tại Liên Hợp Quốc yêu cầu ICJ đưa ra ý kiến. Điều này diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn chưa thống nhất về các giải pháp cụ thể để đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu.

Theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia phải cập nhật các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vài năm một lần, với đợt cập nhật tiếp theo dự kiến vào tháng 2/2025. Tuy nhiên, các quốc gia phát thải lớn nhấn mạnh rằng những cam kết này chỉ mang tính chất “nỗ lực hay cố gắng” chứ không ràng buộc kết quả, đã gây lo ngại từ phía các quốc đảo nhỏ về việc thiếu cơ chế đủ mạnh để buộc giảm khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.

Đại diện từ phía Trung Quốc, ông Ma Xinmin - cố vấn pháp lý Bộ Ngoại giao khẳng định: “Trung Quốc hy vọng ICJ duy trì vai trò của cơ chế đàm phán khí hậu Liên Hợp Quốc như kênh chính để điều phối các hành động khí hậu toàn cầu.”

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng ý kiến của ICJ có thể trở thành chất xúc tác thúc đẩy các vụ kiện khí hậu trên toàn cầu, đồng thời nâng cao vị thế pháp lý của các quốc đảo nhỏ trong cuộc đấu tranh vì công lý khí hậu. 

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo channelnewsasia.com/straitstimes.com)
LHQ cảnh báo nạn buôn người gia tăng do xung đột và biến đổi khí hậu
LHQ cảnh báo nạn buôn người gia tăng do xung đột và biến đổi khí hậu

Ngày 11/12, một báo cáo từ Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) cho biết nạn buôn người trên toàn cầu đã tăng mạnh do tác động của xung đột, thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và các khủng hoảng toàn cầu khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN