Đại diện Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thực Hiện cho biết: Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng đã và đang nỗ lực thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, như đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Cần Thơ cũng đang triển khai các biện pháp tổng thể, quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Do đó, Cần Thơ mong muốn hợp tác và học hỏi các kinh nghiệm mà Hà Lan đã thực hiện thông qua những dự án, chương trình liên quan đến phát triển xanh, bền vững, thực hiện phát thải ròng bằng 0.
Trên cơ sở những nét tương đồng về đặc thù địa thế thấp so với mặt nước biển, Hà Lan cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều đứng trước các nguy cơ cao về ngập lụt, sụt lún… Do đó, ông Nguyễn Thực Hiện mong muốn thông qua hợp tác sâu rộng giữa Cần Thơ và Hà Lan, sẽ mở ra các cơ hội triển khai những dự án phòng chống, thích ứng với tình trạng nước biển dâng, ngập lụt…
Hiện Cần Thơ đang đề xuất Trung ương được triển khai dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị với diện tích chống ngập vùng nội ô thành phố khoảng 2.770 ha. Dự án được đề xuất với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và thực hiện từ năm 2024 - 2030.
Ông Daniel Stork bày tỏ sự tin tưởng vào mối quan hệ bền vững và ngày càng mở rộng giữa Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng với Hà Lan. Những thành tựu hai bên đạt được thời gian qua là cơ sở, nền tảng vững chắc để triển khai các dự án hợp tác song phương trong tương lai. Đặc biệt, những dự án liên quan tới nông nghiệp xanh bền vững, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu… vừa là xu thế thời đại, vừa là trách nhiệm của tất cả quốc gia đối với hành tinh của chúng ta.
Ông Daniel Stork cho rằng, Cần Thơ đang thực hiện rất tốt các nhóm giải pháp nhằm thích ứng với tình hình nước biển dâng mang tính thuận thiên như triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình nhằm gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ vùng lõi của đô thị, giảm thiểu tình trạng ngập lụt.
Theo Sở Ngoại vụ thành phố Cần Thơ, 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Cần Thơ sang Hà Lan là 22,01 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, nông sản và nông sản thực phẩm chế biến, may mặc. Cần Thơ hiện có 1 dự án có 100% vốn đầu tư trực tiếp từ Hà Lan.
Trong lĩnh vực phi chính phủ (NGO), hiện thành phố có 3 chương trình, dự án đang triển khai gồm: Dự án “Thu gom tự động rác nổi trên sông tại thành phố Cần Thơ” do Tổ chức Làm sạch biển Hà Lan tài trợ, tổng vốn viện trợ 630.000 USD; vốn đối ứng 225.941 USD. Dự án “WaterWorX hướng đến cấp nước thích nghi với Biến đổi khí hậu khu vực Tây Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Công ty Vitens Evides International B.V (Hà Lan) tài trợ, tổng vốn viện trợ hơn 1,3 triệu USD; vốn đối ứng 149.490 USD. Chương trình “Blue Dragon Việt Nam - Nâng cao năng lực quản lý nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long (Giai đoạn 1) tại thành phố Cần Thơ” do Hiệp hội nước Hà Lan và Tổ chức Blue Deal, Hà Lan tài trợ, tổng vốn viện trợ 574.462,18 USD; vốn đối ứng 146.023,23 USD.