Khi Son Jong-hun chạy trốn khỏi Triều Tiên hơn 10 năm trước để đến với vùng đất phương Nam, anh khó có thể ngờ rằng sẽ có ngày mình quay trở lại cố hương. Thế nhưng, đối mặt với sự coi thường, phân biệt của người miền Nam, Son đã sẵn sàng quay đầu trở lại, dù có thể sẽ phải đối mặt với án tù, thậm chí là cả án tử tại Triều Tiên.Son, một quan chức chính phủ tại Bình Nhưỡng bị kết án vì tội ca ngợi chủ nghĩa tư bản phương Tây, chỉ là một trong 25.000 người Triều Tiên chạy trốn và hiện sống tại Hàn Quốc. Nhiều người trong số này chưa bao giờ biết đến việc sử dụng ATM, điện thoại di động, lái xe, và thường mất phương hướng trong cuộc sống. Dáng người thấp hơn, nước da đen hơn, học vấn thấp hơn, họ - những người Triều Tiên, thường ca thán về tình trạng phân biệt đối xử tại miền đất mới.
Son Jong-hun, hình ảnh tiêu biểu cho những số phận buồn người Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc. Ảnh: NKnews |
Phát biểu trên website NK News, Son cho biết: “Người dân và chính phủ Hàn Quốc thường ngoảnh mặt trước những vấn đề tại Triều Tiên. Miền Nam coi việc thống nhất là gánh nặng, vì họ sẽ phải trả phí nhiều hơn”.
Thông thường, một người miền Bắc khi chạy sang Hàn Quốc sẽ bị thẩm vấn xem có phải là điệp viên hay không, sau đó sẽ được gửi tới một trạm ở nam Seoul để giáo dục, định hướng tư tưởng. Nếu chót lọt, họ sẽ được “thả” vào xã hội, với một khoản tiền hỗ trợ gọi là gọi là tiền “tái định cư”. Từ đây, họ sẽ buộc phải tự bươn trải, hoặc là sống sót, hoặc là chìm hẳn. Theo lời Son, Hàn Quốc đã đối xử với anh như là “một vết dơ”. “Tôi không có liên hệ với bất kì ai, cũng chẳng người nào thừa nhận các kĩ năng của tôi ở nơi ở mới này. Thực sự, tôi luôn trong cuộc chiến chống lại chính phủ miền Nam”.
Người ra đi rồi lại quyết tâm hồi hương như Son là rất hiếm. Anh thừa nhận quyết định dứt áo ra đi đã làm tổn thương gia đình và bè bạn, với việc người anh trai bị xử tử, còn bạn gái, đồng nghiệp thì bị phạt tù. Nhưng anh vẫn quyết tâm sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình để thức tỉnh những người “đào tẩu” khác. Son Jong-hun thổ lộ, “tôi biết một hình phạt nghiêm khắc đang chờ đón mình, nhưng để chuyển tải một thông điệp đến chính phủ miền Nam, tôi chết cũng đáng. So với những hiệu ứng, lợi ích chính trị từ câu chuyện của tôi, cuộc sống đối với tôi thật không quan trọng”.
Hiện Seoul từ chối giúp Son về nước. Chính quyền Hàn Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng phải chính thức có lời mời Son quay trở lại, sau đó anh phải từ bỏ quyền công dân Hàn Quốc và sẽ bị trục xuất.
Hoài Thanh (theo Independent)