Chị gái của Agarwal kể lại: “Em tôi quay video điện thoại từ góc này sang góc khác, háo hức chia sẻ cảnh đẹp cho chúng tôi”.
Bất ngờ có một cú giật mạnh như thể Agarwal cúi xuống để nhặt thứ gì đó và cuộc gọi bị ngắt kết nối. Đó cũng là lần cuối cùng gia đình nghe tin về Agarwal.
Kể từ cuộc gọi bị gián đoạn đó, Agarwal mất tích không để lại dấu vết. Trường hợp của Agarwal không phải là duy nhất.
Trong nhiều năm, hàng chục du khách như Agarwal, trong đó có nhiều người nước ngoài, đã mất tích khi đến thăm thung lũng Parvati tại bang Himachal Pradesh. Điều này khiến thung lũng bị mệnh danh là “Tam giác Bermuda của Ấn Độ” và “Thung lũng Chết”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết dựa trên truyền thông Ấn Độ, đã có hơn 21 du khách nước ngoài mất tích tại thung lũng Parvati trong 3 thập niên qua. Trong khi đó, người dân địa phương cho biết con số thực tế còn cao hơn. Các con phố tại thung lũng Parvati đều dán nhiều thông báo tìm người mất tích trong khu vực.
Vậy điều gì khiến thung lũng với cảnh đẹp hút hồn du khách này lại mang những bí mật đen tối đến vậy?
Nhà báo Aditya Kant cho biết du khách đến thung lũng Parvati có tâm lý tò mò. Ông nói: “Hầu hết mọi người đến đây do nghe về loại chất kích thích thần kinh nổi tiếng và tò mò về nó”.
Một trong những bí mật tồi tệ nhất của Parvati là thung lũng này trở thành địa điểm của các bữa tiệc chất thức thần, trong đó Malana Cream là loại nhựa cần sa địa phương được cho là đắt nhất trên thế giới.
Ông Kant cho biết vào cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, du khách Israel bắt đầu đổ về Parvati và thung lũng này dần trở thành điểm đến nổi tiếng với các du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, không phải tất cả du khách đến Parvati đều cùng chung mục đích. Nhiều người đến đây đơn giản vì muốn yên tĩnh và một mình. Anh trai của Agarwal cho biết anh là một trong những du khách như vậy. Agarwal nói với anh trai muốn tự đến Parvati một mình để tìm sự yên bình.
Một yếu tố khác dẫn đến sự bí ẩn của thung lũng Parvati là địa hình nơi đây. Phần trên cao của thung lũng không có đường dành cho xe có động cơ, cách duy nhất để đến đó là đi bộ thường dài, thường bao gồm vượt qua đường mòn trên sườn núi cao.
Các chuyên gia leo núi địa phương thường dựa vào đó để tìm kiếm người mất tích. Manu Mahajan thuộc đội giải cứu Himalaya chia sẻ: “Thung lũng này có thể trở nên nguy hiểm bởi sườn núi hẹp hơn khi bạn lên cao”. Mahajan đã tham gia vào nhiều cuộc tìm kiếm, và họ thường tìm thấy thi thể của người mất tích.
Anh nói: “Có nhiều điểm nguy hiểm đến mức chỉ một lỗi nhỏ có thể khiến bạn rơi xuống sông Parvati ở dưới đó hàng nghìn mét”.
Một cảnh sát địa phương cho biết gia đình của Agarwal nói rằng anh chưa từng đi bộ đường dài trước đó. Do vậy, ông nói: “Du khách phải có trách nhiệm và nên thuê hướng dẫn viên địa phương hoặc người khuân vác có thể giúp họ trong những hành trình như vậy thay vì đi một mình”.