Đó là những hình ảnh đã gây xáo động thế giới hàng tuần liền: Tổng thống Palextin Yasser Arafat ốm yếu, gầy gò rời Palextin bằng máy bay đến Pari (Pháp) – nơi ông trải qua những ngày cuối cùng với hàng loạt xét nghiệm trong bệnh viện quân đội Pháp, để rồi chìm vào cơn hôn mê và qua đời ngày 11/11/2004.
Tám năm sau cái chết của ông, điều gì, cái gì, thế lực nào giết chết nhà lãnh đạo uy tín của Palextin vẫn còn là điều bí ẩn. Xét nghiệm thực hiện ở Pari không tìm thấy dấu vết thuốc độc trong cơ thể ông Arafat. Người ta cứ thế đồn thổi về nguyên nhân cái chết của ông – ung thư, xơ gan, thậm chí nhiễm HIV.
Tổng thống Palextin Yasser Arafat vào trực thăng chuẩn bị đến Pháp ngày 29/10/2004. Ảnh Internet. |
Kênh truyền hình Al Jazeera đã thực hiện một cuộc điều tra kéo dài 9 tháng cho thấy không một lời đồn thổi nào là chính xác. Tổng thống Arafat hoàn toàn khỏe mạnh cho đến khi đột ngột bị ốm ngày 12/10/2004.
Quan trọng hơn, xét nghiệm cho thấy những đồ đạc cá nhân cuối cùng của Tổng thống Arafat như quần áo, kem đánh răng, chiếc khăn trùm đầu đều chứa một lượng polonium có nồng độ cao bất thường. Polonium là một chất phóng xạ hiếm và cực nguy hiểm với sức khỏe con người.
Những vật dụng cá nhân được phân tích tại Viện Vật lý vô tuyến ở Lausanne, Thụy Sĩ đều có dấu vết máu, mồ hôi, nước bọt và nước tiểu của ông Arafat. Tiến sĩ Francois Bochud, Giám đốc Viện Vật lý vô tuyến, xác nhận thông tin về chất polonium trong vật dụng cá nhân của nhà lãnh đạo.
Phát hiện trên đã khiến bà Suha Arafat, bà quả phụ ông Arafat, đề nghị chính quyền Palextin khai quật thi thể chồng bà trong ngôi mộ ở Ramallah. Các bác sĩ cho rằng, nếu xét nghiệm cho thấy xương của ông Arafat có chứa polonium nồng độ cao, đó sẽ là bằng chứng thuyết phục cho thấy ông bị đầu độc.
Luật sư của bà Suha cũng cho biết, bà sẽ đề nghị tòa án Pháp điều tra về cái chết của chồng bà, xác định chính xác hoàn cảnh dẫn đến cái chết, vạch trần sự thật để thực hiện công lý. Trước đó, bà tuyên bố: “Tôi muốn cả thế giới biết sự thật về vụ ám sát ông Arafat”. Dù không cáo buộc trực tiếp nhưng bà Suha nhấn mạnh cả Mỹ và Ixraen đều coi chồng bà là vật cản cho những mưu toan của các nước này ở Trung Đông.
Lượng polonium đáng ngờ
Lần đầu tiên nghiên cứu các vật dụng cá nhân của ông Arafat, Viện Vật lý vô tuyến không tìm thấy bất kỳ dấu vết của một kim loại nặng thông thường nào cũng như dấu vết của một vụ đầu độc điển hình. Do đó, họ đã chú ý tới những chất ít người biết đến, trong đó có polonium.
Polonium là chất phóng xạ thường được dùng trong tàu vũ trụ. Nhà bác học Marie Curie đã phát hiện ra nó năm 1898. Con gái bà, Irene, là một trong số những nạn nhân đầu tiên của polonium. Irene chết vì bị bệnh bạch cầu vài năm sau khi tình cờ phơi nhiễm polonium trong phòng thí nghiệm.
Ít nhất hai người có liên quan đến chương trình hạt nhân của Ixraen cũng chết sau khi phơi nhiễm chất này.
Nạn nhân nổi tiếng nhất của polonium là Alexander Litvinenko, một gián điệp người Nga chết ở Luân Đôn năm 2006 sau khi bị ốm lay lắt. Điều tra cho thấy người này bị ngộ độc sau khi uống trà bị bỏ polonium.
Các nhà khoa học không nhất trí với nhau về những triệu chứng ngộ độc polonium chủ yếu do có quá ít vụ ngộ độc chất này được ghi lại. Livinenko bị tiêu chảy cấp, sụt cân, nôn mửa. Đây cũng là những triệu chứng mà ông Arafat gặp phải trong thời gian đầu bị ốm. Nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy những triệu chứng tương tự. Những triệu chứng này sẽ kéo dài hàng tuần liền, tùy vào liều lượng polonium, cho đến khi người hoặc động vật nhiễm chất độc này chết.
Polonium tồn tại trong không khí nhưng nồng độ polonium trong tự nhiên tích tụ lại trên các bề mặt hiếm khi được đo đếm và chất này cũng biến mất nhanh chóng. Polonium-210, chất đồng vị tìm thấy trên vật dụng cá nhân của ông Arafat, có chu kỳ bán phân rã 138 ngày, có nghĩa là một nửa lượng polonium tự phân rã cứ sau 4 tháng rưỡi.
Do đó, trong báo cáo gửi cho kênh truyền hình Al Jazeera, Viện Vật lý vô tuyến có nói: “Ngay cả trong trường hợp bị đầu độc tương tự như Litvinenko, may ra chỉ còn vài millibecquerel (mBq) polonium có thể được tìm thấy trong năm 2012”.
Các nhà khoa học ở Lausanne đã phát hiện ra nồng độ polonium trên vật dụng cá nhân của ông Arafat cao gấp 10 lần bình thường so với những thứ dùng làm vật đối chứng. Tuy nhiên, đồ dùng cá nhân của ông Arafat, đặc biệt là đồ có dịch cơ thể, lại có hàm lượng polonium cao hơn rất nhiều. Kem đánh răng có nồng độ polonium là 54 mBq, vết nước tiểu trên quần lót có 180 mBq. Trong khi đồ lót của một người đàn ông được dùng làm đối chứng chỉ có 6,7 mBq.
Những thí nghiệm tiến hành trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6/2012 kết luận rằng phần lớn lượng polonium, khoảng 60 đến 80%, không có nguồn gốc tự nhiên.
"Bí mật quân sự"
Các bác sĩ ở Lausanne cũng loại trừ nhiều nguyên nhân có thể có về cái chết của ông Arafat dựa trên bệnh án gốc của ông do vợ ông cung cấp. Họ đã loại bỏ những tin đồn về cái chết của ông trong vòng 8 năm qua.
Giám đốc Viện y học pháp lý thuộc trường Đại học Lausanne, Tiến sĩ Patrice Mangin, khẳng định: “Không phải xơ gan, không có dấu vết ung thư, không phải bệnh bạch cầu. Dựa vào các triệu chứng thì không có dấu hiệu nào của HIV, AIDS”.
Tiến sĩ Tawfik Shaaban, một chuyên gia người Tuynidi về HIV và là một trong những bác sĩ từng khám bệnh cho ông Arafat ở nhà riêng tại Ramallah, cũng xác nhận rằng không có dấu hiệu của các căn bệnh trên.
Các kết luận trên tất nhiên chỉ dựa vào tài liệu chứ không phải kiểm tra trực tiếp. Các bác sĩ ở Lausanne đã hi vọng có thể nghiên cứu mẫu máu và nước tiểu của ông Arafat khi ông nằm tại viện quân đội Percy ở Pháp. Nhưng khi vợ ông Arafat yêu cầu tiếp cận các mẫu này thì bệnh viện trả lời rằng những mẫu đó đã bị tiêu hủy.
Bà Suha Arafat nói: “Tôi không hài lòng với câu trả lời đó. Thông thường với những người rất quan trọng như chồng tôi, họ sẽ giữ lại (các mẫu bệnh). Phải chăng họ không muốn dính dáng vào vụ này?”.
Một vài bác sĩ từng điều trị cho ông Arafat nói rằng họ không được phép bàn về trường hợp của ông Arafat, thậm chí với sự cho phép của bà Suha, bởi vì đó được coi là “bí mật quân sự”. Phần lớn các bác sĩ từng một lần chữa trị cho ông Arafat ở Cairô và Tuynít đều từ chối trả lời phỏng vấn.
Khi mọi con đường điều tra đều bị khép kín, xác của ông Arafat sẽ là nguồn bằng chứng tin cậy cuối cùng. Sau khi chính quyền Palextin đồng ý cho khai quật xác ông Arafat, bà Suha hi vọng bí ẩn về cái chết của chồng bà sẽ sớm được làm sáng tỏ.
Thùy Dương