Bí ẩn 100 tấn cá chết nổi kín mặt sông ở Ba Lan

Trên 500 lính cứu hỏa đã được huy động để vớt xác cá chết trên mặt sông Oder.

Chú thích ảnh
Hình ảnh cá chết nổi trên sông Oder. Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hỏa Ba Lan đã vớt được 100 tấn cá chết trên sông Oder, dấy lên thêm mối lo ngại về một thảm họa môi trường mà các giới chức chưa xác định được nguyên nhân.

“Chúng tôi chưa bao giờ triển khai một hoạt động với quy mô lớn như vậy trên một con sông”, bà Monika Nowakowska-Drynda tại phòng truyền thông của lực lượng cứu hỏa quốc gia Ba Lan, cho biết.

Bà xác nhận khoảng 100 tấn cá chết đã được vớt lên kể từ khi lực lượng triển khai hoạt động trong ngày 12/8 . Trên 500 nhân viên cứu hỏa đã tham gia vớt xác cá chết với sự hỗ trợ của tàu thuyền, xe địa hình, máy xúc và thậm chí cả thiết bị bay không người lái.

Chính quyền các thành phố của Đức đã ra chỉ thị cấm tắm và câu cá ở sông Oder sau khi hàng nghìn con cá chết trôi nổi trên con sông dài 840km, chảy từ Cộng hòa Séc dọc theo biên giới giữa Đức và Ba Lan ra biển Baltic.

Các nhà bảo tồn bày tỏ lo ngại hiện tượng cá chết hàng loạt có thể tàn phá toàn bộ hệ sinh thái của sông Oder. "Chúng tôi phải xem quần thể loài chim phản ứng như thế nào và điều gì sẽ xảy ra với gấu mèo và rái cá. Đó sẽ là một thảm họa kéo dài trong nhiều năm”, Karina Dörk, quản lý khu vực Uckermark của Đức, trả lời tờ Tagesspiegel.

Hiện các nhà chức trách vẫn chưa kết luận được nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Chính phủ Ba Lan đã đưa ra phần thưởng trị giá 210.000 euro cho bất kỳ ai có thể giúp tìm ra nguyên nhân đứng sau thảm họa môi trường này. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng có thể một lượng lớn chất thải hóa học đã đổ xuống sông trước đó.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Anna Moskwa ngày 16/8 khẳng định chưa phát hiện bất kỳ mẫu phẩm nào lấy từ sông có chứa chất độc hại. Các nhà khoa học Ba Lan cho biết các cuộc kiểm tra chỉ phát hiện thấy nồng độ muối tăng cao.

Nữ bộ trưởng cho biết chính phủ cũng đang xem xét các nguyên nhân tự nhiên có thể xảy ra và đặc biệt là nồng độ chất ô nhiễm và độ mặn cao hơn do mực nước thấp đi kết hợp với nhiệt độ cao.

Giả thuyết thứ ba đang được xem xét là nước thải công nghiệp có hàm lượng clo cao được đổ ra sông.

Các mẫu nước đã được gửi tới các phòng thí nghiệm ở Cộng hòa Séc, Hà Lan và Anh với hy vọng tìm ra nguyên nhân.

Người dân địa phương đã thông báo về việc cá chết hàng loạt lần đầu ngày 28/7. Chính phủ nước này đã bị chỉ trích nặng nề vì không có hành động nhanh chóng. Ngày 12/8, Thủ tướng Morawiecki đã sa thải Giám đốc điều hành của Polish Waters, công ty quốc doanh phụ trách quản lý nước và người đứng đầu cơ quan thanh tra bảo vệ môi trường do tắc trách trong công tác xử lý ô nhiễm sông Oder.

Trong những năm gần đây, Oder là một con sông tương đối sạch có 40 loài cá sinh sống.

Bảo Hà/Báo Tin tức (The Guardian)
Nhà chức trách Đức nhận định về vụ cá chết hàng loạt trên sông Oder
Nhà chức trách Đức nhận định về vụ cá chết hàng loạt trên sông Oder

Ngày 12/8, cơ quan môi trường bang Brandenburg của Đức cho biết một chất cực độc chưa xác định được có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Oder, chảy qua Ba Lan và Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN