Bệnh viện cai nghiện... Internet

Choi Hyun - Min mất khái niệm về thời gian khi ngồi trước màn hình máy tính chơi game và thường mỗi lần chơi như vậy kéo dài ít nhất 10 tiếng đồng hồ. Choi là một trong số hàng trăm nghìn người bị xem là nghiện Internet ở Hàn Quốc, một trong những quốc gia sử dụng Internet nhiều nhất trên thế giới.

Một y tá đang điều trị cho bệnh nhân bằng biện pháp phản ứng thần kinh tại Save Brain. Ảnh: AFP/TTXVN


Hiện cậu sinh viên 16 tuổi này đang được điều trị tại bệnh viện tâm thần Save Brain, thuộc Bệnh viện Quốc gia Gongju, cách thủ đô Xơun 120 km về phía nam. Save Brain mở cửa từ đầu tháng 5/2011 và là bệnh viện khám chữa bệnh đầu tiên của Hàn Quốc dành cho các đối tượng nghiện Internet. “Nghiện Internet không phải là phạm tội”, Lee Jaewon, chủ nhiệm khoa Save Brain, nói. “Nghiện Internet là một vấn đề nghiêm trọng và các bậc phụ huynh không nên thấy xấu hổ khi đưa con cái tới đây điều trị trước khi quá muộn”.

Save Brain đưa ra một phác đồ điều trị kéo dài 5 tuần, bao gồm các buổi điều trị theo nhóm, dùng liệu pháp nghệ thuật, sử dụng thuốc cũng như các biện pháp phản ứng thần kinh và kích thích hộp sọ bằng từ trường.

Biện pháp phản ứng thần kinh sử dụng hình ảnh thời gian thực để minh họa hoạt động của não bộ, được ghi lại nhờ các cảm biến gắn dưới da đầu, nhằm kiểm soát hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Trong khi đó, biện pháp kích thích hộp sọ sử dụng từ trường để kích thích các tế bào thần kinh trong bộ não và thường được áp dụng trong điều trị chứng trầm cảm.

Trước khi bắt đầu chương trình điều trị (chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên), Save Brain tiến hành chẩn đoán bằng quét ảnh não bộ và các bài kiểm tra tâm lý. Theo ông Lee: “Các bài kiểm tra và chương trình điều trị đều mang tính khoa học cao và ở một chừng mực nào đó đã chứng tỏ được tính hiệu quả”. Chi phí kiểm tra và điều trị áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế là 630.000 won (585 USD) và không có bảo hiểm là 1.940.000 won.

Mặc dù có khá nhiều bậc phụ huynh tới tìm hiểu về Save Brain nhưng đến nay bệnh viện này mới tiếp nhận 3 bệnh nhân, trong đó có Choi. Ông Lee cho biết các bậc cha mẹ thường gặp khó khăn trong việc thừa nhận con mình “có vấn đề” và cảm thấy xấu hổ khi đưa chúng đến bệnh viện tâm thần.

Mặc dù nghiện Internet không bị coi là một chứng bệnh tâm thần nhưng vấn nạn này đã ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc. Điển hình như trường hợp của Choi. Cậu thanh niên này bắt đầu nghiện game từ lúc 9 tuổi và đã có lần đục lỗ trên cửa sổ phòng bố mẹ để lấy lại màn hình máy tính họ thu giữ. Choi cũng đã từng ăn trộm tiền để chơi game hàng tiếng đồng hồ tại các quán cà phê Internet mà chỉ ăn mì tôm cầm hơi. Đầu năm 2010, một thanh niên Hàn Quốc 31 tuổi đã được bố mẹ đưa đến Save Brain sau khi ngồi lì ở một quán cà phê Internet chơi game 780 giờ liên tục, không kể một vài phút tạm nghỉ giữa chừng để ăn uống.

Số liệu của Bộ gia đình Hàn Quốc cho thấy nước này có khoảng 2 triệu đối tượng nghiện Internet trên tổng số 48,6 triệu dân, trong đó có 877.000 người ở độ tuổi 9 - 19. Mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên máy tính, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một đạo luật buộc các công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến ngăn chặn những người dưới 16 tuổi chơi game trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến 6 giờ sáng. Đạo luật này sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2011.

Quang Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN