Theo kênh CNN, các nhà chức trách Belarus cho biết, kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa được tổ chức cho thấy người dân đã ủng hộ động thái này.
Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Belarus, khoảng 78,63% dân số đủ điều kiện đã tham gia bỏ phiếu. Trong đó, 65,16% ủng hộ hiến pháp mới sẽ xóa bỏ quy chế phi hạt nhân của Belarus và cho Tổng thống Alexander Lukashenko cơ hội tranh cử thêm hai nhiệm kỳ.
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus cho biết, cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trong trật tự, theo đúng pháp luật và không xảy ra sự cố hay hành vi vi phạm nào. Khoảng 5.510 điểm bỏ phiếu đã được mở trên khắp Belarus. Nước này cũng đã triển khai bỏ phiếu sớm trưng cầu ý dân từ ngày 22/2 và kéo dài đến ngày 26/2.
Trước đó, ngày 20/1, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ký sắc lệnh kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp. Dự thảo hiến pháp mới nêu rõ Hội đồng Nhân dân toàn Belarus trở thành cơ quan đại diện cao nhất ở nước này. Ngoài ra, dự thảo cũng loại bỏ các điều khoản về tình trạng phi hạt nhân hóa và trung lập của Belarus.
Theo văn phòng của Tổng thống Lukashenko, các sửa đổi và bổ sung hiến pháp được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ có hiệu lực sau 10 ngày nữa,.
Hiến pháp mới của Belarus về mặt lý thuyết có thể cho phép Nga đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của nước này lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Khi đó, Belarus đã từ bỏ kho dự trữ hạt nhân và trở thành một khu vực không có vũ khí hạt nhân.
Phát biểu trước các nhà báo tại một điểm bỏ phiếu ở Minsk vào ngày 27/2, Tổng thống Lukashenko cho biết ông có thể yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lại vũ khí hạt nhân mà Belarus đã từ bỏ nếu phương Tây chuyển vũ khí hạt nhân cho Ba Lan hoặc Litva.
Ông Lukashenko nói: “Nếu hai cường quốc hạt nhân là Mỹ hoặc Pháp bắt đầu chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ba Lan hoặc Litva – hai nước sát biên giới của chúng tôi… tôi sẽ đến gặp ông Putin để ông ấy trả lại cho tôi những vũ khí hạt nhân mà tôi đã trao đi mà không có bất kỳ điều kiện đặc biệt nào”.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Lukashenko cũng cáo buộc phương Tây thúc ép Nga kích động Thế chiến III, đồng thời cảnh báo rằng chiến tranh hạt nhân sẽ kết thúc thế giới.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ không công nhận tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu ngày 27/2. Trong một tuyên bố từ tháng 1, phái bộ của Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã coi cuộc trưng cầu dân ý không phải là con đường khả thi và đáng tin cậy đối với Belarus.
Trong khi đó, theo Sputnik ngày 28/2, phái đoàn của Ukraine đã có mặt ở Belarus để đàm phán với Nga. Chuyến đi diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định ông cần tận dụng mọi cơ hội để đảm bảo hòa bình cho Ukraine. Văn phòng Tổng thống Ukraine đã xác nhận thông tin Kiev và Moskva sẽ tiến hành đàm phán vô điều kiện tại Belarus. Cuộc đàm phán là kết quả của cuộc điện đàm giữa Tổng thống Ukraine và người đồng cấp Belarus.