Việc Thái Lan dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa theo từng giai đoạn trong 2 tháng vừa qua, mặc dù vẫn tiếp tục gia hạn Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới cuối tháng Bảy, là kết quả của quá trình ngăn chặn, khống chế và kiểm soát dịch bệnh theo những kịch bản rõ ràng.
Cho tới nay, Thái Lan đã trải qua 37 ngày không ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Tất cả những trường hợp mới được xác nhận đều là công dân trở về từ nước ngoài được cách ly. Ngày 1/7, Thái Lan ghi nhận có thêm 2 ca mắc COVID-19 là những công dân trở về từ Kuwait, nâng tổng số trường hợp lên 3.173 bệnh nhân. Thái Lan đã điều trị thành công cho 3.059 bệnh nhân COVID-19 và chỉ có 58 trường hợp tử vong, một tỷ lệ được cho là thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Thái Lan là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 từ tháng 1/2020. Sau khi có những ca lây nhiễm đầu tiên, Chính phủ Thái Lan đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa và ban đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do số lượng khách du lịch ngoài Trung Quốc vẫn tiếp tục tới Thái Lan sau đó, cùng với nhiều người Thái trở về nước từ những vùng có dịch, số lượng các ca nhiễm tại Thái Lan lại tăng lên nhanh chóng trong tháng Ba, khiến cho chính phủ phải áp dụng những biện pháp mạnh hơn như ban bố Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp từ ngày 26/3 đến ngày 30/4, giới nghiêm toàn quốc vào ban đêm, cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh, cấm bán đồ uống có cồn… nhằm kiềm chế dịch lây lan.
Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Thái Lan trong tháng Tư và tới nay nước này về cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Kết quả này đạt được là do những nỗ lực không mệt mỏi của các nhân viên y tế và những tình nguyện viên y tế cộng đồng cũng như sự hợp tác của đa số người dân trong việc tuân thủ những yêu cầu y tế cơ bản như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên.
Theo đánh giá, thành công của Thái Lan trong việc khống chế dịch COVID-19, mặc dù có những cảnh báo về sự bùng phát dữ dội ngay khi ca đầu tiên xuất hiện đầu năm, là nhờ 7 yếu tố.
Thứ nhất, Thái Lan có đội ngũ tình nguyện viên y tế làng xã đông đảo gồm hơn 1 triệu người tại hơn 75.000 làng trên khắp đất nước. Những người này chủ yếu là phụ nữ và hiểu rõ cộng đồng của mình. Mỗi người, tùy thuộc và địa điểm và cộng đồng, được phân công chăm sóc tới 10 gia đình. Họ thường xuyên đến thăm các gia đình được phân công để thông báo tình hình dịch bệnh, theo dõi chặt chẽ người ra vào địa phương khi có dịch và phối hợp chặt chẽ với các nhân viên y tế cấp tỉnh và huyện.
Thứ hai, Thái Lan đã triển khai biện pháp phòng ngừa phổ quát như kêu gọi đeo khẩu trang và sát trùng tay ngay từ đầu. Các quan chức y tế đã kêu gọi người dân đeo khẩu trang thường xuyên và đảm bảo vệ sinh cá nhân ngay sau khi ca COVID-19 đầu tiên được phát hiện. Cách tiếp cận này cho phép hầu hết người dân ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Thái Lan đã từng sử dụng cách tiếp cận phòng ngừa phổ quát này trong chiến dịch phòng chống HIV/AIDS 20 năm trước đây. Ngoài ra, người dân Thái cũng có thói quen đeo khẩu trang để phòng chống ô nhiễm bụi mịn PM2.5.
Thứ ba là sự hợp tác của người dân trong phòng chống đại dịch. Rõ ràng, nếu không có sự tham gia và hợp tác của công chúng, kết quả của các biện pháp phòng chống COVID-19 sẽ khác. Người dân Thái Lan có xu hướng tuân theo những chỉ dẫn của những người có chuyên môn, đặc biệt là các bác sĩ.
Thứ tư là chất lượng lãnh đạo trong phòng chống dịch. Thái Lan đã thành lập Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) để chỉ đạo ở quy mô toàn quốc cũng như các trung tâm xử lý dịch bệnh ở tất cả các các cấp cơ sở. Các quan chức được phân công nhiệm vụ rõ ràng và chính quyền cho phép các chuyên gia y tế tham gia vào việc ra quyết định.
Thứ năm, Thái Lan đã đưa ra các biện pháp phòng chống đúng thời điểm. So với các nước trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác về thời gian biểu phong tỏa, Thái Lan theo đuổi chính sách không quá nghiêm ngặt nhưng không quá lỏng lẻo.
Thứ sáu là công tác truyền thông dựa trên số liệu thực tế để thông báo trực tiếp với công chúng. Hằng ngày, người phát ngôn CCSA thông báo cho công chúng về tình hình dịch bệnh trong các buổi họp báo. Những số liệu chính thức của CCSA đã tạo ra được niềm tin của công chúng, cũng như nhận thức về những gì cần phải làm để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Thứ bảy là tinh thần Thái Lan của người dân, một truyền thống được cho là hình thành từ thời xa xưa khi người dân làng xã đoàn kết để vượt qua những điều bất thường. Tính cách này đã giúp cho Thái Lan bảo vệ đất nước và vượt qua các cuộc khủng hoảng hay tình trạng khấp cấp.
Tới nay, khi số lượng các ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày ở mức thấp và đều là từ công dân hồi hương, Chính phủ Thái Lan vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục nêu cao cảnh giác trước làn sóng COVID-19 thứ hai. Từ ngày 1/7, máy bay và người vào Thái Lan phải tuân thủ các điều kiện, quy định của Luật Di trú, Luật về bệnh truyền nhiễm, Luật Hàng không và Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp. Một số đối tượng đặc thù sẽ được phép nhập cảnh Thái Lan như doanh nhân, du lịch chữa bệnh, có vợ hoặc chồng là người Thái, có giấy phép lao động, sở hữu nhà tại Thái Lan… Tất cả những người nước ngoài tới Thái Lan sẽ phải xét nghiệm COVID-19 và hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc. Thành công của Thái Lan trong việc kiềm chế COVID-19 sẽ làm tăng hơn nữa uy tín của hệ thống y tế công cộng của nước này, gia tăng sự bảo đảm đối với du khách nước ngoài, đồng thời tăng sức hấp dẫn của du lịch y tế Thái Lan.