Từ những anh “drone khuân vác”…
Với một chiếc bánh sandwich gà, một cốc cà phê nóng cùng những chiếc bánh rán thơm ngon, chuyến giao hàng đầu tiên bằng “drone” được cấp phép trên đất Mỹ theo cái bắt tay giữa chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven và công ty khởi nghiệp thiết bị bay không người lái Flirtey đã đưa ngày 22/7 vào lịch sử hàng không thế giới. Sau khi được đóng gói trong hộp nóng lạnh chuyên dụng, chuyến bay đặc biệt này đã lên đường đến một gia đình ở địa phương tại thành phố Reno, bang Nevada.
Theo ông Matt Sweeny, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Flirtey, những chuyến giao hàng mang tính lịch sử bằng thiết bị bay không người lái của Flirtey đã và đang tạo nên bước đệm cho sự phát triển của dịch vụ giao hàng bằng “drone” đến tay khách tại nhà trên phạm vi toàn thế giới và “ngày hôm nay là một bước tiến lớn hướng tới một tương lai không còn quá xa”. Trong khi đó, khẳng định “giao hàng bằng ‘drone’ là sự thuận tiện tuyệt đối cho khách hàng và những nỗ lực này tạo ra cơ hội lớn để tái định nghĩa sự tiện lợi”, Jesus Delgado-Jenkins, trưởng bộ phận marketing của 7-Eleven chia sẻ: “Trong tương lai, chúng tôi lên kế hoạch giao hàng cho khách theo phương thức này với toàn bộ sản phẩm trong các cửa hàng chỉ sau vài phút”.
Hình ảnh chuyến giao hàng đầu tiên bằng “drone” của Flirtey. |
Sự hợp tác của Flirtey và 7-Eleven hứa hẹn mở ra một xu hướng mới của dịch vụ giao hàng tương lai trong bối cảnh những tên tuổi doanh nghiệp khác của nước Mỹ bao gồm gã khổng lồ bán hàng online Amazon cũng đang trong quá trình hoàn thiện ý tưởng “drone khuân vác”. Nhưng với Flirtey, tham vọng chưa dừng lại ở đó khi công ty khởi nghiệp này còn tiếp tục nghĩ đến câu chuyện vận chuyển các nhu yếu phẩm trong các sứ mệnh nhân đạo vòng quanh thế giới.
… đến những gã “drone cờ đỏ”
Đặt yếu tố phục vụ công tác an ninh lên hàng đầu, công ty Aptonomy của Mỹ lại lựa chọn con đường phát triển thiết bị bay không người lái giám sát an ninh, tạo ra một thế hệ “nhân viên” an ninh mới có thể theo dõi phát hiện những pha vượt ngục, trộm cướp ở bất kỳ khu vực nào định trước.
Những gã “drone cờ đỏ” của Aptonomy sẽ loại trừ các mối nguy an ninh cho con người. |
Từ những thiết bị bay không người lái DJI S-1000+ thường được các nhà làm phim sử dụng, Aptonomy tạo nên những gã “drone cờ đỏ” hầm hố bằng cách gắn thêm thiết bị điều khiển bay mới, một máy tính thứ hai để tăng cường sức mạnh của các camera hoạt động ngày và đêm, ánh sáng trắng, loa phát thanh cùng các thiết bị phụ trợ khác. Song song với việc nâng cấp phần cứng, Aptonomy kết hợp phát triển các hệ thống trí thông minh nhân tạo và dẫn đường cho phép “đội ngũ nhân viên an ninh biết bay” có khả năng độc lập tác chiến, bay với tốc độ cao khi hoạt động ở tầm thấp, tránh các chướng ngại vật trong các môi trường chật hẹp và xác định hoạt động hay nhận diện gương mặt của con người.
Chỉ bằng thao tác mở một trình duyệt đơn giản, truy cập vào hệ thống của Aptomomy, lựa chọn địa điểm trên một bản đồ, người sử dụng dịch vụ có thể gửi ngay một thiết bị bay không người lái tới một vị trí cụ thể, đồng thời quan sát chuyến bay trực tiếp hoặc xem lại băng ghi hình. “Drone cờ đỏ” của Aptonomy cũng có thể được lập trình để bay tới bất kì vị trí nào cảm biến truyền dữ liệu cho thấy có khả năng có hoạt động bất thường trên mặt đất, ghi lại các hoạt động khả nghi, chiếu sáng kẻ đột nhập, cho phép liên lạc hai chiều thông qua hệ thống loa. Hoạt động trong khu vực được lập trình sẵn và có thể cung cấp thông tin cho nhân viên an ninh cách vị trí từ vài trăm tới vài ngàn km, những gã “drone cờ đỏ” còn có khả năng tự động quay về trạm để nạp điện khi nhận biết nguồn pin sắp cạn.
Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trong năm nay đã sửa đổi luật cho phép thực hiện một số chuyến bay bằng thiết bị bay không người lái vì mục đích thương mại trong không phận nước này. |
Tác giả của những sản phẩm công nghệ thông minh này là hai nhà đồng sáng lập của Aptonomy Mihail Pivtoraiko và Siddharth Sanan, hai cái tên vốn có tiếng tăm trong ngành công nghiệp này và cầm tấm bằng tiến sĩ từ Viện Robot ở đại học Carnegie Mellon trước khi bắt tay vào Aptonomy. Ông Pivtoraiko trước đây từng làm việc ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), phòng thí nghiệm lực đẩy máy bay, Lockheed Martin và Intel. Trong khi đó, nghiên cứu về độ an toàn của robot con người và phần mềm robot của ông Sanan là nguồn cảm hứng tạo nên chú robot Baymax đáng yêu trong bộ phim hoạt hình đầy tính nhân văn Big Hero 6 của hãng Walt Disney.
Theo hai nhà đồng sáng lập, phần lớn các hệ thống bay không người lái với mục đích thương mại hiện nay được sử dụng ở độ cao hàng trăm mét để thực hiện các nhiệm vụ như lập bản đồ nhiệt hay địa hình và không có khả năng nhận diện khuôn mặt như sản phẩm của Aptonomy. Trong khi đó, những thiết bị bay không người lái hoạt động ở tầm thấp lại không có bộ phận kiểm soát hoạt động cần thiết để bay an toàn không cần sự điều chỉnh của con người trong các môi trường phức tạp như nhà máy điện hạt nhân, tháp hay một nhà tù an ninh cao.
Hiện một công ty năng lượng đã đặt hàng trước các thiết bị bay không người lái của Aptonomy để sử dụng tại các cơ sở lọc dầu trong năm nay. Theo đánh giá của công ty công nghệ này, các doanh nghiệp với nhiều khối tài sản bất động sản sẽ là các khách hàng tiềm năng bởi những anh “drone cờ đỏ” ngoài năng lực đầy hứa hẹn còn được lập trình để tiếp cận kẻ đột nhập theo phương thức phù hợp với quy định của luật pháp.