Theo Ủy ban Bầu cử độc lập (CENI) của Congo, liên minh FCC cầm quyền đã giành được hơn 300 trong tổng số 500 ghế tại Quốc hội. Các chính đảng trong FCC hiện chiếm khoảng 350 ghế trong Quốc hội vừa mãn nhiệm.
Việc nhiều chính đảng trong liên minh cầm quyền của đương kim Tổng thống Kabila chiếm đa số tại Quốc hội được cho là sẽ hạn chế khả năng của Tổng thống đắc cử Tshisekedi thực hiện các cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử, theo đó cắt đứt mối liên hệ với chính phủ cầm quyền của đương kim Tổng thống Kabila trong 18 năm qua.
Theo Hiến pháp CHDC Congo, phe chiếm đa số tại cơ quan lập pháp có quyền hạn lớn và đề cử của tổng thống cho chức Thủ tướng phải được lựa chọn từ những chính đảng này. Trong khi đó, Thủ tướng sẽ phải ký thông qua các quyết định đề cử hoặc bãi nhiệm các tướng lĩnh quân đội, thẩm phán và người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước.
Kết quả này cũng làm dấy lên hoài nghi rằng kết quả bầu cử Tổng thống công bố ngày 10/1 vừa qua là một thỏa thuận ngầm, qua đó giúp duy trì tầm ảnh hưởng của ông Kabila trong chính phủ và lực lượng an ninh. Tuy nhiên, nhóm tranh cử của ông Tshisekedi đã bác bỏ thông tin trên, đồng thời cho biết mục đích của các cuộc gặp giữa nhóm này và các đại diện của ông Kabila sau cuộc bầu cử chỉ là nhằm đảm bảo tiến trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ.
Tổng thống Kabila dự kiến sẽ rời nhiệm sở trong những ngày tới sau 18 năm cầm quyền. Tuy nhiên, ông đã để ngỏ khả năng tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2023 khi CHDC Congo xóa bỏ giới hạn về nhiệm kỳ.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, ứng cử viên Martin Fayulu - người về thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống - đã kiến nghị Tòa án Hiến pháp Congo hủy bỏ kết quả bầu cử sơ bộ.
Trước đó, theo kết quả bầu cử sơ bộ được CENI công bố, ứng cử viên phe đối lập, ông Felix Tshisekedi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 30/12/2018 với hơn 7 triệu phiếu bầu (chiếm 38%), so với khoảng 6,4 triệu phiếu của ứng cử viên Martin Fayulu và 4,4 triệu phiếu của ứng cử viên đảng cầm quyền Emmanuel Ramazani Shadary. Ông Fayalu ngay lập tức đã bác bỏ kết quả bầu cử được được CENI công bố. Trong khi đó, các nhà quan sát bầu cử độc lập cho rằng kết quả trên không phù hợp với các số liệu không chính thức mà họ thu thập được.
Kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1960, người dân CHDC Congo chưa từng được sống trong hoà bình. Những ganh đua quyền lực chính trị tại quốc gia này tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát xung đột và đổ máu. Cuộc bầu cử tổng thống liên tục bị trì hoãn từ năm 2016 tới nay với nhiều lý do.