Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn kết quả khảo sát do Đại học High Point công bố ngày 3/10 công bố cho thấy cả cựu Tổng thống Donald Trump - ứng cử viên của đảng Cộng hòa - và Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ, đều nhận được 48% sự ủng hộ từ các cử tri tiềm năng ở bang Đông Nam nước Mỹ này. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò toàn quốc, bà Harris chiếm ưu thế hơn trong số các cử tri đã đăng ký với tỷ lệ 48% ủng hộ, dẫn trước cựu Tổng thống Trump 2 điểm phần trăm. Các vấn đề được cử tri North Carolina quan tâm nhiều nhất bao gồm: kinh tế, nhập cư, an sinh xã hội và quyền nạo phá thai.
Trong mùa bầu cử năm nay, North Carolina được đánh giá là một trong 7 bang chiến địa trọng yếu khi nắm tới 16 phiếu đại cử tri, ngang với bang Georgia và chỉ đứng sau bang Pennsylvania (18 phiếu đại cử tri).
Trong giai đoạn cuối của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đội ngũ phụ trách chiến dịch tranh cử của bộ đôi Kamala Harris-Tim Walz đang tăng cường nỗ lực thu hút các cử tri nghiêng về đảng Cộng hòa nhưng chưa quyết định. Một số đảng viên Cộng hòa công khai ủng hộ Phó Tổng thống Harris tới nay gồm các gương mặt đáng chú ý như cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, 2 cựu Hạ nghị sĩ Liz Cheney (bang Wyoming) và Adam Kinzinger (Illinois), cựu Thượng nghị sĩ Jeff Flake (Arizona), cựu Phó Thống đốc Georgia Geoff Duncan…
Ngày 3/10, bà Liz Cheney đã tham gia chiến dịch vận động tranh cử của Phó Tổng thống Harris ở Ripon, bang Wisconsin, địa danh vốn được coi là nơi khai sinh của đảng Cộng hòa. Bà Harris được cho là sẽ tận dụng màn xuất hiện chung với bà Cheney để thể hiện tinh thần hợp tác lưỡng đảng. Địa điểm tổ chức mít tinh cũng được xem là một nước đi chiến lược từ phía bà Harris. Thành phố Ripon, nằm giữa Madison và Green Bay, là nơi tọa lạc của một trường học được chỉ định là di tích lịch sử quốc gia vì đã tổ chức các cuộc họp đầu tiên mở đường thành lập đảng Cộng hòa vào năm 1854.
Vào thời điểm chỉ còn một tháng trước ngày bầu cử, giới quan sát cho rằng Nhà Trắng hiện đang đối mặt với 3 thách thức có thể đe dọa hy vọng của Phó Tổng thống Harris. Một là cuộc xung đột ở Trung Đông kéo dài liên quan các động thái quân sự qua lại giữa Israel với Hamas, Hezbollah và Iran. Hai là áp lực lạm phát gia tăng do cuộc đình công của gần 50.000 công nhân cảng thành viên Hiệp hội Longshoremen Quốc tế (ILA) tại các cảng ở phía Đông và Bờ Vịnh đang chặn dòng xuất nhập khẩu của Mỹ. Ba là áp lực chính trị do bão Helene gây lũ lụt nghiêm trọng, khiến 189 người thiệt mạng và nhiều người mất tích ở nhiều địa phương, trong đó có các khu vực của 2 bang chiến địa là Georgia và North Carolina.