Bầu cử Mỹ 2024: Hai ứng cử viên đối đầu trong chặng đua nước rút cuối cùng 

Trong khi bà Harris kêu gọi sự đoàn kết và cảnh báo về mối đe dọa cho nền dân chủ, ông Trump tiếp tục thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết” với những tuyên bố mạnh mẽ về cải tổ chính quyền. 

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama tại chiến dịch vận động tranh cử ở Kalamazoo, Michigan, ngày 26/10/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo AFP ngày 2/11, bà Kamala Harris và ông Donald Trump đang bước vào tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ căng thẳng nhất thời hiện đại, với một loạt các cuộc mít tinh ở các bang dao động sẽ thử thách sức bền của họ và khả năng thuyết phục những cử tri còn do dự cuối cùng.

Lịch trình vận động tranh cử của cả hai ứng viên đều dày đặc tại các bang chiến địa như Georgia, Bắc Carolina, Michigan, Virginia và Pennsylvania. Đáng chú ý, tại Milwaukee, Wisconsin, hai ứng viên đã tổ chức các cuộc mít tinh chỉ cách nhau vài km vào cuối tuần.

Bà Harris, người nỗ lực để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, đang sử dụng các cuộc mít tinh ở Georgia, Bắc Carolina và Michigan để truyền tải thông điệp của bà rằng ông Trump là "mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ".

Bà Harris đang tập trung vào chiến lược kêu gọi các cử tri trung dung và thúc đẩy người ủng hộ đi bỏ phiếu thông qua các hoạt động vận động thực địa. Tại Little Chute, Wisconsin, bà đã chỉ trích ông Trump là "người ngày càng bất ổn, bị ám ảnh bởi sự bất bình".

Chiến dịch của Harris còn được hỗ trợ bởi nhiều ngôi sao nổi tiếng như Jennifer Lopez, Cardi B, Beyonce và Bruce Springsteen. Tại Milwaukee, nữ ca sĩ rap Cardi B đã cùng bà Harris kêu gọi cử tri "tạo nên lịch sử".

Trong khi đó, ông Trump, 78 tuổi, người từng thua cuộc năm 2020 và là ứng viên tổng thống đầu tiên bị truy tố, đang theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết" với những đề xuất cải tổ chính phủ theo hướng cánh hữu và các chính sách thương mại quyết liệt.

Tại Warren, Michigan, ông Trump đã chỉ trích mạnh mẽ nền kinh tế dưới thời Biden-Harris, điều mà các nhà kinh tế không đồng tình với nhận định này, và cảnh báo rằng "một cuộc suy thoái kinh tế theo kiểu năm 1929" sẽ xảy ra nếu bà Harris được bầu.

Trong bối cảnh căng thẳng trước thềm bầu cử, nhiều doanh nghiệp tại thủ đô Washington D.C đã bắt đầu đóng cửa phòng ngừa, sau khi chính quyền thành phố cảnh báo về khả năng xảy ra tình trạng bất ổn khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.

Các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua đang diễn ra hết sức gay cấn, đặc biệt tại 7 bang chiến địa có khả năng quyết định kết quả cuối cùng thông qua hệ thống đại cử tri đoàn của Mỹ. Theo cuộc thăm dò mới nhất của CNN, tại Georgia, ông Trump dẫn trước với 48% so với 47% của bà Harris.

Ngược lại tại North Carolina, Phó Tổng thống Harris đang dẫn trước 1 điểm phần trăm. Đáng chú ý, bà Harris nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri da đen (78% tại North Carolina và 84% tại Georgia) và cử tri da trắng có bằng đại học. Trong khi đó, ông Trump được ủng hộ nhiều bởi cử tri da trắng không có bằng đại học, đặc biệt tại Georgia với tỷ lệ lên tới 81%.

Cuộc bầu cử sẽ kết thúc vào ngày 5/11 tới, với điểm nhấn là các cuộc mít tinh cuối cùng của ông Trump tại Grand Rapids, Michigan và của bà Harris tại Philadelphia, Pennsylvania vào đêm 4/11.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo AFP/CNN)
'Bất ngờ tháng 10' có thể thay đổi cục diện bầu cử năm 2024?
'Bất ngờ tháng 10' có thể thay đổi cục diện bầu cử năm 2024?

Tháng 10 đã khép lại với những sự kiện đầy biến động ảnh hưởng đến cuộc đua vào Nhà Trắng. Một số người tự hỏi liệu “bất ngờ tháng 10” - sự kiện thay đổi cuộc chơi trước thềm Ngày bầu cử - có thực sự đã xảy ra?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN