Tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở thủ đô Canberra vào tối 8/5, hai ứng cử viên của hai chính đảng lớn nhất ở Australia là đảng Tự do cầm quyền và Công đảng đối lập đã đưa ra tầm nhìn cho Australia trong thập kỷ tới, tranh luận về một loạt các chính sách, chủ yếu xoay quanh chương trình bầu cử của Công đảng và một số vấn đề mới như nhập cư và tự do tôn giáo.
Phác thảo tầm nhìn Australia sau 10 năm, Thủ tướng Morrison tập trung vào công việc và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, trong khi lãnh đạo Công đảng nhấn mạnh vấn đề biến đổi khí hậu, bình đẳng và theo đuổi một Australia hiện đại. Theo đó, ông Morrison nói sẽ có thêm 2,5 triệu người Australia có việc làm và cam kết chính phủ sẽ tăng chi tiêu cho y tế và giáo dục. Về phần mình, ông Shorten nói ông muốn Australia trở thành một quốc gia bình đẳng hơn, và để trở nên bình đẳng hơn, cần phải là một quốc gia thịnh vượng và giàu có hơn.
Không khí tranh luận thực sự "nóng" lên khi chuyển sang vấn đề biến đổi khí hậu, một trong những vấn đề được cho là sẽ quyết định kết quả của cuộc bầu cử lần này. Nhà lãnh đạo đối lập cho rằng ô nhiễm carbon đã tăng cao trong thời gian Liên đảng Tự do - Quốc gia nắm quyền, và cáo buộc chính sách năng lượng không rõ ràng của Liên đảng là nguyên nhân duy nhất làm tăng giá điện trong thời gian qua.
Thủ tướng Morrison đáp lại rằng chính phủ có thể xử lý đồng thời cả hai vấn đề kinh tế và môi trường, và khẳng định Liên đảng đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu giảm phát thải. “Vấn đề tại cuộc bầu cử này không phải là chúng ta nên hành động về biến đổi khí hậu hay không, điều này đã được nhất trí. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải có một cách tiếp cận có trách nhiệm” - Thủ tướng Morrison nhấn mạnh sau khi yêu cầu ông Shorten công bố chi phí cho kế hoạch giảm phát khí thải. Phản bác lại, ông Shorten nói nếu chỉ nhấn mạnh vào chi phí cho hành động mà không thấy hậu quả của việc không hành động là không trung thực.
Trong buổi tranh luận, hai nhà lãnh đạo cũng đề cập sự cần thiết phải ổn định chính phủ, chính sách nhập cư, quan điểm về tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng.
Cuộc tranh luận lần thứ ba kết thúc mà không có bỏ phiếu đánh giá hai đối thủ như hai lần trước, tuy nhiên diễn biến của cuộc tranh luận cho thấy đây là cuộc đua khá ngang sức ngang tài, chưa có bên nào thực sự nổi trội.