Bất ổn tại châu Âu phủ “bóng đen” lên Phố Wall

Sau diễn biến khá tích cực của Phố Wall trong phiên giao dịch đầu tuần nhờ sự bứt phá ngoạn mục của giá cổ phiếu Apple, cũng như những tín hiệu tích cực từ kinh tế Trung Quốc và châu Âu, chứng khoán Mỹ lại liên tiếp “lao dốc” trong những ngày sau đó do những bất ổn về kinh tế-chính trị tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), với mối lo ngại lớn nhất là nguy cơ Hy Lạp sẽ buộc phải ra khỏi khối tiền tệ chung này.

“Sắc đỏ” trở về thống lĩnh thị trường chứng khoán Mỹ sau tuyên bố của cựu Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos rằng nguy cơ Aten rời khỏi Eurozone là "không thể loại trừ". Ảnh minh họa (nguồn: Internet).


Chứng khoán Mỹ chấm dứt chuỗi 6 phiên “đỏ sàn” liên tiếp vào phiên giao dịch đầu tuần (21/5), nhờ sự đi lên của giá cổ phiếu tập đoàn công nghệ Apple, sau khi giới phân tích dự đoán hoạt động kinh doanh dòng điện thoại iPhone sẽ tiếp tục gặp thuận lợi trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tâm lý của giới đầu tư còn được cải thiện đáng kể sau kết quả lạc quan của cuộc họp các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển lớn nhất thế giới (G8), khi họ cam kết sẽ làm tất cả các bước cần thiết để đối phó với những bất ổn về tài chính và vực dậy nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước mối đe dọa ngày càng lớn từ khủng hoảng nợ ở châu Âu. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nhóm nước này đã không kê được một "đơn thuốc" cụ thể nào cho "con bệnh" Hy Lạp.

Ngay trong hai phiên liên tiếp sau đó, “sắc đỏ” lại trở về thống lĩnh thị trường cổ phiếu Mỹ sau tuyên bố của cựu Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos rằng nguy cơ Aten rời khỏi Eurozone là "không thể loại trừ", đồng thời cảnh báo động thái này có thể ảnh hưởng tới cả các quốc gia bên ngoài liên minh tiền tệ này.

Thêm vào đó, việc giá cổ phiếu của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook tiếp tục “tụt” mạnh 8,6%, giữa lúc xuất hiện những tranh cãi mới về đợt phát hành trái phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 16 tỷ USD cũng gây áp lực lên nhóm cổ phiếu công nghệ và khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi về giá trị thực của mã cổ phiếu Facebook. Thông tin này đã làm lu mờ báo cáo tích cực của Hiệp hội các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) về doanh số bán nhà có sẵn và giá nhà trong tháng 4/2012.

Tới phiên giao dịch ngày 24/5, Phố Wall đã lấy lại được đà đi lên, song sức tăng vẫn còn khá dè dặt trước các số liệu kinh tế trong nước cũng như “bức tranh” chưa rõ ràng của khu vực Eurozone. Tuy nhiên, kết quả đáng thất vọng của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) không chính thức vừa diễn ra tại Brúcxen (Bỉ) đã khiến giới đầu tư tỏ ra hoang mang và đẩy thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào bế tắc, khi các nhà lãnh đạo EU không đưa ra được những biện pháp cụ thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu.

Ngoài ra, “cú sốc” mới mang tên Tây Ban Nha cũng là nhân tố khiến Phố Wall quay đầu “tụt dốc” trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (25/5), trước khi bước vào một đợt nghỉ lễ dài.

Sáng ngày 25/5, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã quyết định đánh tụt bậc xếp hạng tín nhiệm 5 ngân hàng của Tây Ban Nha, sau khi có động thái tương tự đối với nước này vào tháng trước. Các ngân hàng bị S&P hạ mức xếp hạng bao gồm Banco Popular, Bankinter, Banca Civica và Bankia cùng ngân hàng mẹ là Banco Financiero y de Ahorro (BFA).

Sau khi Bankia- ngân hàng đã bị quốc hữu hóa từng phần hồi đầu tháng 5/2012, bị S&P hạ bậc tín nhiệm từ BBB- xuống BB+, ban lãnh đạo ngân hàng lớn thứ tư Tây Ban Nha này cho biết sẽ đề nghị chính phủ cung cấp gói cứu trợ kỷ lục trị giá 19 tỷ euro (24 tỷ USD). Bankia cũng cho biết thêm rằng ngân hàng này sẽ đề nghị được tiếp cận Quỹ tái cấu trúc ngân hàng (FROB) để tăng vốn.

Thông tin này càng khiến giới đầu tư tỏ ra thận trọng hơn và kéo các chỉ số chứng khoán đi xuống. Ngoài yếu tố Tây Ban Nha, thị trường Phố Wall còn chịu áp lực giảm điểm từ báo cáo cho hay một số ngân hàng lớn của Trung Quốc có thể không đạt mục tiêu tín dụng của Chính phủ nước này lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua, cũng như việc chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012.

Kết thúc phiên này, chỉ số Dow Jones mất 74,92 điểm, tương đương 0,6%, xuống còn 12.454,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm khiêm tốn 2,86 điểm (0,22%) xuống 1.317,82 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite cũng chỉ hạ 1,85 điểm (0,07%) xuống 2.837,53 điểm. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ lại khép lại tuần này với mức tăng điểm đầu tiên trong vòng 4 tuần qua.

Tính chung cả tuần, Dow Jones tăng 0,7%, S&P 500 tiến 1,7% và Nasdaq vọt lên 2,1%. Đây là tuần tăng điểm mạnh nhất của S&P 500 kể từ giữa tháng 3/2012, đồng thời chấm dứt chuỗi 3 tuần giảm điểm liên tiếp trước đó của chỉ số này.

Hiện giới đầu tư cổ phiếu đang chờ đợi kết quả bầu cử quốc hội Hy Lạp vào ngày 17/6 tới. Kết quả này sẽ xác định xem liệu Aten sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” để cắt giảm chi tiêu như đã cam kết hay sẽ chấp nhận rời bỏ Eurozone.

Minh Trang (Theo AFP)
Phố Wall khởi đầu quý II/2012 với “sắc xanh”
Phố Wall khởi đầu quý II/2012 với “sắc xanh”

Trong phiên giao dịch đầu tiên của quý II/2012, chứng khoán Mỹ tiếp tục đà tăng điểm mạnh, nhờ các số liệu tích cực của ngành chế tạo tại Mỹ và Trung Quốc, cho thấy sức tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có những dấu hiệu ổn định trở lại...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN