Bất ngờ về tình hình giao thông ở Trung Quốc sau khi nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19

Mật độ giao thông tại các thành phố lớn nhất của Trung Quốc hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào đầu năm nay.

Chú thích ảnh
Một nhân viên nhà tang lễ làm việc trong bộ quần áo bảo hộ ở Bắc Kinh, ngày 17/12. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh Trung Quốc đột ngột thay đổi chính sách chống dịch COVID-19 gây bùng phát số ca mắc trên toàn quốc, mật độ giao thông tại 15 thành phố lớn nhất của nước này được ghi nhận ở mức thấp hơn 45% so với hồi tháng 1/2021. Đây là thông số mà Bloomberg tổng hợp được dựa trên dữ liệu giao thông của công ty Baidu. 

Thời điểm duy nhất mà mật độ phương tiện di chuyển thấp hơn cả bây giờ là vào đầu tháng 2, trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán khi các nhà máy ngừng hoạt động, nhà hàng đóng cửa và người dân rời các đô thị lớn để trở về quê hương. 

Được biết, mật độ giao thông hiện nay thậm chí còn vắng vả hơn cả thời kỳ phong tỏa để truy vết các ca bệnh trước đây. Ví dụ như Thượng Hải đã đóng cửa suốt tháng 4 và tháng 5. Nhiều thành phố khác cũng phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vào tháng 10 và tháng 11.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân bị sốt ở một bệnh viện khi dịch COVID-19 tiếp tục bùng nổ ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 19/12/2022. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đang vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay, có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, khi nhiều người lao động ngã bệnh và phải cách ly tại nhà.

Trong khi Bắc Kinh là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng bởi làn sóng gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2, cảnh tượng hệ thống bệnh viện bị quá tải còn các nhà tang lễ phục vụ xuyên đêm cũng đang diễn ra ở Thượng Hải, nơi các hiệu thuốc bị khan hàng và phải đóng cửa vì thiếu nhân viên.  

Theo dự báo của Viện Chỉ số và Đánh giá Sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ đưa ra ngày 17/12, các ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào khoảng ngày 1/4, khi đó số ca tử vong sẽ lên tới 322.000 người. Giám đốc IHME Christopher Murray cho rằng khoảng 1/3 dân số Trung Quốc sẽ bị nhiễm bệnh vào thời điểm đó.

Một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 7/2022 trên tạp chí Y học Tự nhiên của các nhà nghiên cứu tại Khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải đã dự đoán rằng, làn sóng Omicron nếu không có các biện pháp phòng chống sẽ dẫn đến 1,55 triệu ca tử vong trong khoảng thời gian 6 tháng.

Tồn tại nghi ngờ về số liệu COVID-19 ở Trung Quốc

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng mua bộ kít xét nghiệm COVID-19 tại hiệu thuốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia y tế nước ngoài cảnh báo rằng tiêu chí tính ca tử vong do COVID-19 của Trung Quốc sẽ đánh giá thấp thiệt hại thực sự của làn sóng lây nhiễm hiện nay.

Ông Wang Guiqiang, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện số 1 Đại học Bắc Kinh, cho biết chỉ những trường hợp tử vong do viêm phổi và suy hô hấp sau khi mắc COVID-19 mới được xếp loại là do virus SARS-CoV-2 gây ra. Các trường hợp tử vong vì biến chứng tại các bộ phận khác trong cơ thể, kể cả các bệnh lý nền trở nặng do virus gây ra, sẽ không được tính vào số liệu thống kê chính thức.

Ông Wang giải thích các tiêu chí đã thay đổi vì biến thể Omicron ít có khả năng gây ra triệu chứng nguy hiểm, mặc dù các bệnh viện của Trung Quốc vẫn được yêu cầu đánh giá từng trường hợp để xác định chính xác liệu COVID-19 có phải là nguyên nhân gây tử vong cuối cùng hay không.

Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài cho biết cách tính của Trung Quốc có thể bỏ sót một số loại biến chứng gây tử vong khác, vốn đã được công nhận rộng rãi, từ cục máu đông đến đau tim cũng như nhiễm trùng huyết và suy thận.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh đã bị đóng cửa. Ảnh: AFP/TTXVN

Là một trong những quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 thấp nhất thế giới, Trung Quốc thường xuyên bị nghi ngờ là về mức độ chính xác của các số liệu liên quan. 

Một nghiên cứu vào tháng 6/2020 về đợt bùng phát ban đầu của đất nước này ở Vũ Hán vào cuối năm 2019 ước tính 36.000 người có thể đã chết vào thời điểm đó, hoặc gấp 10 lần con số chính thức.

Trong khi đó, một nghiên cứu do tạp chí Lancet công bố vào tháng 4/2022, xem xét tỷ lệ tử vong liên quan đến COVID-19 ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 2020 - 2021, ước tính số ca tử vong ở Trung Quốc trong giai đoạn này, gấp nhiều lần con số công bố chính thức là 4.820 người.

Trên toàn cầu, nghiên cứu này ước tính có khoảng 18,2 triệu ca tử vong vượt mức trong giai đoạn 2021 - 2022, vượt trội so với mức 5,94 triệu ca tử vong trong số liệu chính thức. 

Bất chấp các báo cáo rằng các nhà tang lễ và lò hỏa táng đang phải vật lộn để đối phó với nhu cầu gia tăng, số ca tử vong chính thức của Trung Quốc không tăng đột biến. Ngày 21/12, quốc gia đông dân nhất thế giới này không ghi nhận ca tử vong nào. Và tính từ ngày 8/12 đến nay khi chính phủ thông báo xóa bỏ “Zero COVID”, chỉ có 7 trường hợp tử vong được báo cáo. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại tỉnh Quý Châu. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Xuân Chi/Báo Tin tức (Theo Bloomberg, Reuters)
Trung Quốc: Người dân tăng cường tích trữ phòng dịch, 'phương thuốc truyền miệng' cũng cháy hàng
Trung Quốc: Người dân tăng cường tích trữ phòng dịch, 'phương thuốc truyền miệng' cũng cháy hàng

Sau khi nới lỏng các hạn chế phòng dịch, số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, Trung Quốc đại lục rơi vào tình trạng thiếu thuốc khi người dân “đua nhau” mua tích trữ thuốc cảm cúm và giảm đau. Diễn biến này còn gây ảnh hưởng đến cả Hong Kong, Macao và Đài Loan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN