Quan hệ Mỹ - Israel lại nảy sinh thêm mâu thuẫn khi hàng loạt bộ trưởng nội các Israel công kích một cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về đàm phán hòa bình với Palestine.
Tại hội nghị an ninh quốc tế tổ chức ở thành phố Munich của Đức ngày 1/2, Ngoại trưởng Kerry đã cảnh báo Israel có thể phải đối mặt với tác động về kinh tế cũng như mối đe doạ bị tẩy chay nếu cuộc đàm phán với Palestine thất bại. Hàng loạt bộ trưởng Israel sau đó đã lên tiếng chỉ trích phát biểu này của ông Kerry, trong đó, Bộ trưởng Tình báo Yuval Steinitz gọi đây là động thái "có ý gây hấn, bất công và không thể chấp nhận".
Ngoại trưởng Kerry đã cảnh báo Israel có thể phải đối mặt với tác động về kinh tế cũng như mối đe doạ bị tẩy chay nếu cuộc đàm phán với Palestine thất bại.Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Phát biểu tại Nội các Israel, Thủ tướng nước này, ông Benjamin Netanyahu cũng cho rằng "các âm mưu áp đặt tẩy chay đối với Israel là trái đạo đức và không công bằng". Bộ trưởng Kinh tế Naftali Bennett chỉ trích ông Kerry đang ủng hộ việc chống lại Israel, đồng thời khẳng định Israel sẽ "không bỏ cuộc vì những mối đe doạ kinh tế".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki cho rằng phát ngôn của ông Kerry chỉ nhằm nêu ra những lập luận từng được đề cập trước đó về những nguy cơ đối với Israel và Palestine trong trường hợp tiến trình hoà bình thất bại.
Ngày càng có nhiều chính phủ và doanh nghiệp cho biết sẽ không trao đổi thương mại với các công ty Israel có liên hệ với việc xây dựng nhà định cư Do Thái. Kể tử ngày 1/1 vừa qua. Liên minh châu Âu đã cấm toàn bộ các hoạt động tài trợ và gây quỹ cho các công ty Israel hoạt động vượt ra khỏi đường biên giới chiến tranh trước năm 1967.
Cuộc đàm phán hoà bình Israel - Palestine được khôi phục vào cuối tháng 7/2013, dự kiến kéo dài trong 9 tháng và kết thúc vào tháng 4/2014, tuy nhiên, đến nay tiến trình này vẫn có rất ít tiến triển rõ rệt.
Trong một diễn biến khác liên quan, một nguồn tin an ninh ngày 2/2 xác nhận chính quyền Hamas tại Dải Gaza đã rút một lực lượng an ninh đặc biệt khỏi vị trí gần biên giới giữa hai bên, nhằm phản đối các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Gaza. Lực lượng này gồm 600 binh sĩ, có nhiệm vụ ngăn ngừa các vụ phóng tên lửa vào Israel. Động thái này diễn ra một ngày sau khi máy bay chiến đấu Israel tấn công các vị trí quân sự của Hamas ở Gaza, với mục tiêu trả đũa một vụ tấn công tên lửa nhằm vào một thị trấn miền Nam Israel. Ngày 21/1, Hamas thông báo đã triển khai các lực lượng tại Gaza để “thực thi lệnh ngừng bắn” với Israel, thỏa thuận chấm dứt cuộc đối đầu nghiêm trọng gần đây nhất giữa hai bên hồi tháng 11/2012.
TTXVN