Theo "Thời báo Tài chính" (Anh), khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử ông John Kerry làm ngoại trưởng, có vẻ như ông đã lựa chọn được một người phù hợp với sự thận trọng về đường lối đối ngoại của mình. Tuy nhiên, 5 tháng sau khi ông Kerry nhậm chức, sự chia rẽ giữa Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry về chính sách đối ngoại, từ vấn đề Xyri đến tiến trình hòa bình Ixraen - Palextin, ngày càng bộc lộ rõ.
Sự chia rẽ giữa Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry về chính sách đối ngoại ngày càng lộ rõ. |
Bất đồng giữa ông Obama và ông Kerry trở nên sâu sắc hơn trong tuần qua, khi hãng Bloomberg đưa tin trong một cuộc họp của Nhà Trắng, ông Kerry khăng khăng yêu cầu tiến hành các cuộc không kích vào các sân bay của Xyri, trong khi ông Obama còn thận trọng cân nhắc. Trong nhiều cuộc thảo luận về các vấn đề khác nhau, tranh luận cuối cùng vẫn là giữa ông Obama và ông Kerry về cách thức và thời điểm Mỹ nên sử dụng sự ảnh hưởng của mình.
Về vấn đề Trung Đông, quan điểm của ông Obama là không muốn gây tổn hại cho bất cứ bên nào, và sau hai cuộc chiến ở Ápganixtan và Irắc, ông không muốn Mỹ vội vàng can thiệp vào một cuộc chiến nữa ở khu vực này. Đối với Tổng thống Obama, vốn chính trị trong nhiệm kỳ hai là cái gì đó cần phải sử dụng một cách thận trọng, cho dù đó là can thiệp vào cuộc nội chiến ở Xyri hay ủng hộ vòng đám phán mới trong tiến trình hòa bình Ixraen - Palextin.
Đối với ông Kerry, người từng tranh cử tổng thống năm 2004, ông đang làm một công việc mà ông đã khao khát từ lâu và nhận ra rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng ông nắm được chức vụ cao. Trong 5 tháng qua, ông đã dành phần lớn thời gian để công du Trung Đông nhằm giải quyết cuộc nội chiến ở Xyri và tiến trình hòa bình Ixraen - Palextin. Một người từng cộng tác với ông Kerry nói: "Đối với ông Kerry, bây giờ hoặc không bao giờ. Ông ấy muốn mọi thứ phải được thực hiện".
Về vấn đề Xyri, tranh cãi nội bộ đã khiến Bộ Ngoại giao Mỹ phải đối đầu với Lầu Năm Góc do Bộ Quốc phòng không muốn can thiệp quân sự vào quốc gia này và quan điểm đó được ông Obama ủng hộ. Các quan chức Bộ Ngoại giao cho rằng các cuộc đàm phán hòa bình có rất ít cơ hội thành công do lực lượng nổi dậy đang ở thế yếu trên chiến trường so với lực lượng của chính phủ. Và sau khi Tổng thống Obama công khai tuyên bố rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là "ranh giới đỏ", các quan chức này cảnh báo uy tín của Mỹ sẽ bị tổn hại nếu chính quyền không có các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Ông Kerry cũng có nhiều nỗ lực trong việc nối lại tiến trình hòa bình Ixraen - Palextin. Ông sẽ quay trở lại khu vực này vào tuần tới để chuẩn bị cho các cuộc đám phán tiếp theo. Trong khi nghi ngờ về triển vọng của các cuộc đàm phán, các nhà phân tích cũng nhận định rằng những nỗ lực của ông Kerry sẽ trở thành vô nghĩa nếu như ông không giành được sự ủng hộ công khai từ Tổng thống Obama. Ông Vali Nasr, một cựu quan chức ngoại giao và hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Johns Hopkins, nói: "Nhà Trắng thì thụ động, trong khi Bộ Ngoại giao lại muốn tham gia. Hiện vẫn chưa rõ Nhà Trắng - cụ thể là Tổng thống - có ủng hộ kế hoạch của Bộ Ngoại giao hay không".
Huy Hiệp (P/v TTXVN tại Anh)