Ảnh chụp màn hình bản tin của EADaily. Ảnh: Trần Quang Vinh |
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, bản tin nhấn mạnh: Mặc dù mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nga phát triển nhanh chóng và thành công nhưng không thể có chuyện quân đội Nga sẽ trở về căn cứ hải quân Cam Ranh. Ông Lê Hải Bình, Vụ trưởng Vụ Thông tin – Báo chí Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tuyên bố về điều này vào ngày 13/10.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhắc lại rằng Việt Nam theo đuổi chính sách "ba không": "Chúng tôi không tham gia các liên minh quân sự quốc tế, không đứng về phía một quốc gia để chống lại một quốc gia khác và không cho phép bất cứ nước nào lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình".
Lời tuyên bố của nhà ngoại giao là câu trả lời chính thức của Hà Nội đối với thông tin trên một loạt phương tiện thông tin đại chúng của Nga rằng Liên bang Nga đang xem xét khả năng khôi phục các căn cứ quân sự trước đây của mình tại nước ngoài – Cam Ranh ở Việt Nam và Lourdes ở Cuba.
Cam Ranh từng là căn cứ lớn nhất ở nước ngoài của lực lượng hải quân Nga trong suốt 23 năm. Hiệp định cho Moskva thuê miễn phí cảng Cam Ranh được ký ngày 2/5/1979. Vào năm 2001, trong bối cảnh chính trị trên thế giới thay đổi ban lãnh đạo Liên bang Nga quyết định rút khỏi căn cứ này bởi vì vào thời điểm đó đối với Moskva, Cam Ranh đã hoàn thành sứ mạng của mình là một hình thức hợp tác quân sự với Hà Nội.
Sau đó Cam Ranh không còn là căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Từ năm 2002, Hà Nội kiên quyết tuyên bố rằng sẽ không cho nước ngoài thuê cảng Cam Ranh và chuẩn bị tự chủ sử dụng vịnh Cam Ranh chỉ vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hiện tại, Cam Ranh là một cảng biển thương mại quốc tế có thể tiếp nhận bất cứ loại tàu nào của nước ngoài, trong đó có cả tàu quân sự.