Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu ngày 4/9, Đặc phái viên của LHQ về Libya Ghassan Salame nêu rõ nhiều người dân Libya cảm thấy họ đang bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi và bị lợi dụng. Ông cảnh báo về hai kịch bản xấu nếu HĐBA LHQ và cộng đồng quốc tế không sớm can thiệp để chấm dứt cuộc chiến Libya.
Một là, cuộc chiến tại quốc gia Bắc Phi này sẽ kéo dài âm ỉ và hai là cuộc chiến sẽ leo thang, đẩy toàn bộ khu vực này vào sự hỗn loạn khi các nước bên ngoài gia tăng hậu thuẫn cho các phe tham chiến.
Đặc phái viên của LHQ Salame, người thường chỉ trích HĐBA đã không đoàn kết trong vấn đề giải quyết cuộc chiến Libya và thậm chí có nước ủy viên HĐBA còn ủng hộ các phe tham chiến, nhấn mạnh ý tưởng cho rằng cuộc chiến quân sự cũng là một giải pháp cho xung đột là hoàn toàn là ảo tưởng.
Cuối tháng 8 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã bày tỏ lo ngại Libya sẽ rơi vào một "cuộc nội chiến toàn diện" nếu không sớm có các động thái nhằm chấm dứt xung đột.
Ông khẳng định cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra một giải pháp chính trị cho Libya, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của các tay súng nước ngoài và lính đánh thuê được các bên tuyển mộ trong cuộc xung đột tại Libya cũng như dòng vũ khí được chuyển vào nước này.
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.
Chính phủ hòa hợp dân tộc (GNA) do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận và các nhóm dân quân hậu thuẫn, hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng của Tướng Khalifa Hafta Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông.
Từ hồi đầu tháng 4 vừa qua, lực lượng này đã phát động một chiến dịch nhằm chiếm thủ đô Tripoli, dẫn tới các cuộc giao tranh ở các vùng ngoại ô làm 1.000 người thiệt mạng và 120.000 người phải đi sơ tán.