Sau khi phải dùng đến khoản tích cóp để trang trải cuộc sống thời đóng cửa trong làn sóng thứ nhất hồi tháng 3 năm ngoái, Manoj Kumar sau đó lại phải chấp nhận mất khoản thu nhập 8 USD/ngày từ một công việc xây dựng ở khu du lịch Goa.
Tháng trước, Kumar trở về quê nhà để dự đám cưới, sau hành trình di chuyển lên tới gần 2.400 km. Giờ đây, anh vẫn ở nhà, bị kẹt lại tại một trong những bang kém phát triển nhất của Ấn Độ, trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang phải hứng chịu làn sóng tấn công khốc liệt của đại dịch COVID-19. Trong một ngày gọi là may mắn, Kumar sẽ được thuê mướn với mức thù lao hơn 4 USD. Nhưng những công việc như vậy cũng chẳng còn nhiều. Anh giờ đây phải vay mượn để nuôi sống vợ và ba người con.
“Mọi thứ giờ phụ thuộc vào bàn tay của Chúa. Tôi chẳng biết khi nào mới quay trở lại. Gia đình cũng lo lắng và không muốn tôi quay lại chỗ làm cũ, bởi ở Goa hiện cũng đang bùng nổ số ca nhiễm COVID-19 mới”, Kumar chia sẻ. Ở tuổi 40, Kumar chỉ là một trong hàng triệu lao động nhập cư, lực lượng góp phần tạo ra một khu vực kinh tế ngầm ở Ấn Độ.
“Kinh tế ngầm” chiếm khoảng 50% trong tổng GDP trị giá 2.900 tỉ USD dựa nhiều vào tiêu dùng của Ấn Độ. Đại dịch kéo dài đang làm giảm thu nhập của người lao động, bào mòn số tiền tích lũy ít ỏi của những người như Kumar, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á.
Theo ước tính của chính phủ, GDP của Ấn Độ giảm 8% trong tài khóa 2020 kết thúc vào tháng 3 vừa qua, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1952. Nhiều nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Ấn Độ trong tài khóa 2021, do thất nghiệp tăng, tiết kiệm trong dân chúng sụt giảm, làm mờ đi triển vọng tăng trưởng hai con số mà nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo hồi đầu năm.
Shaun Roache, kinh tế gia trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại hãng tư vấn S&P Global Ratings, đã điều chỉnh tăng trưởng của Ấn Độ, từ mức 11% trước đó xuống còn 9,8%, với lý do đại dịch chắc chắn sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế.
Những quy định hạn chế đi lại đã được áp dụng tại nhiều khu vực, trung tâm kinh tế lớn nhất ở Ấn Độ, nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh. Đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất chính là người lao động nghèo khổ, đúng như tình cảnh trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất hồi đầu năm ngoái. Chưa kịp phục hồi thu nhập sau đợt đóng cửa tháng 3/2020, số này lại phải chịu thêm sức ép từ các biện pháp giãn cách rốt ráo và bất ngờ. Hàng đoàn lao động nhập cư đã lũ lượt rời khỏi các thành phố lớn như Mumbai và New Delhi, vượt quãng đường cả nghìn cây số để trở về nhà.
Những người như Kumar thường làm việc thuê mướn mà không có hợp đồng, chỉ nhận thù lao. Theo Giáo sư kinh tế Jeemol Unnin tại Đại học Ahmedabad, cái gọi là nền kinh tế ngầm ở Ấn Độ hàng năm thu hút khoảng 411 triệu lao động. Phần đông trong số này làm việc trong ngành nông nghiệp với mức thu nhập thấp, nhưng cũng có đến 56 triệu người làm trong ngành xây dựng.
Sau khi chi trả cuộc sống hàng ngày, họ gần như không còn đủ tiền để chi cho bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe. Họ sẽ phải đối mặt với tình cảnh hiểm nguy khi dịch bệnh đang tấn công Ấn Độ ở quy mô chưa từng thấy, làm hàng trăm nghìn người chết, bệnh viện quá tải…
Các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng tiết kiệm hộ gia đình bào mòn cùng với thu nhập suy giảm sẽ có ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa, lĩnh vực chiếm đến 60% GDP tại Ấn Độ. Khảo sát mới đây cho thấy, tiết kiệm hộ gia đình đã giảm xuống còn 22,1% GDP trong quý 4/2020, so với mức 28,1% trong quý 2/2020. Còn theo dữ liệu việc làm được công bố trong tháng 4 vừa qua, tỉ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ đã lên mức 8% so với mức 6,5% của tháng 3.
Những bất ổn kinh tế từ năm ngoái đến nay đã khoét sâu thêm hố ngăn cách thu nhập trong xã hội Ấn Độ. Nghiên cứu do Trung tâm Pew tiến hành cho thấy có khoảng 75 triệu người tại quốc gia Nam Á này rơi vào đói nghèo (với mức thu nhập dưới 2USD/ngày) kể từ khi đại dịch bùng phát.
Làn sóng lây nhiễm thứ 2 dự kiến còn gây nhiều thiệt hại nữa. Bức tranh còn đáng báo động hơn nếu xét theo một nghiên cứu khác của Đại học Azim Premji ở Bangalore: Khoảng 230 triệu người Ấn Độ đã bị trượt xuống ngưỡng thu nhập dưới 5 USD/ngày, cũng do tác động của COVID-19.