Các nhân viên y tế đeo mặt nạ chống độc. Ảnh: Reuters |
Chính phủ Đức cũng ghi nhận đây là một mối đe dọa nghiêm trọng khi bản báo cáo cho biết, các lực lượng vũ trang Đức, cơ quan tình báo và dịch vụ khẩn cấp nước này đang chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với một vụ tấn công hóa học.
Theo tạp chí Bild, bản báo cáo chung do chính quyền và lực lượng cảnh sát liên bang (BKA) phối hợp đánh giá mức độ de dọa đối với người dân, có viết: “Một nhóm khủng bố được đào tạo bài bản rất có thể đang âm mưu và vào vị trí tiến hành một cuộc tấn công hóa học”.
Bản báo cáo cũng đưa ra nguy cơ cao các tổ chức khủng bố “sẽ dùng chất hóa học nhằm vào nguồn thực phẩm và nước uống được sử dụng trong các tòa nhà dân cư”.
Báo cáo được công bố chỉ sau vài tuần nước Đức trải qua thảm kịch đánh bom chợ Giáng sinh tại Berlin, khiến 12 người thiệt mạng. Vụ tấn công vẫn xảy ra mặc dù đối tượng tình nghi gốc Tunisia đã bị cảnh sát theo dõi vài tháng trước. Trước đó, vào đầu năm 2016, cơ quan tình báo EU, Europol cũng đề cập đến khả năng cao các “con sói đơn độc” thực hiện các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào phương tiện công cộng, cơ sở hạ tầng tại quốc gia này.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng luôn được cho là có trong tay một lượng lớn vũ khí hóa học. Trong khi lực lượng Không quân Nga cho biết nước này đã phá hủy một vài cơ sở hóa học của nhóm phiến quân tại Syria, thì Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) khẳng định IS có thể đã sản xuất và sử dụng khí lưu huỳnh mù tạt trong cuộc chiến ở Syria và Iraq.