Báo cáo khí hậu của LHQ: Thế giới vừa trải qua 7 năm nóng nhất

Báo cáo khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 31/10 cho thấy, mực nước biển đã dâng cao lên mức mới, trong khi 7 năm qua là giai đoạn nóng nhất từ trước tới nay.

Chú thích ảnh
Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 31/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại London, được công bố đúng vào ngày Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) khai mạc tại Glasgow, Scotland, Báo cáo thường niên của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) về tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2021 cho thấy mực nước biển trung bình đã tăng từ 2,1mm trong giai đoạn 1993-2000 lên 4,4mm mỗi năm trong giai đoạn 2013-2021, phần lớn do các sông băng và tảng băng tan chảy.

Trong khi đó, 2021 có khả năng là năm tiếp theo trong 7 năm liên tiếp nóng nhất được ghi nhận. WMO cho biết, mặc dù năm nay không quá nóng như một số năm gần đây do hiện tượng thời tiết “La Nina” ở Thái Bình Dương, vốn có tác động làm giảm nhiệt độ toàn cầu, nhưng nhiệt độ trung bình của năm vẫn cao hơn 1,09 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Kể từ năm 2015, khi các quốc gia ký kết Hiệp định Paris nhằm hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C hoặc thấp hơn 2 độ C để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, 7 năm qua là thời kỳ nóng nhất theo các số liệu lưu trữ từ năm 1850. Giáo sư Stephen Belcher, nhà khoa học hàng đầu tại Văn phòng Khí tượng Anh cho biết con số tạm tính của năm 2021 cho thấy xu hướng nhiệt độ vẫn tăng, với mức trung bình trong 20 năm tăng hơn 1 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho hay các hiện tượng khí hậu cực đoan đã trở thành “bình thường mới”, với nhiều bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra. Ông cảnh báo, với tốc độ gia tăng nồng độ khí CO2 trong khí quyển hiện nay, nhiệt độ vào cuối thế kỷ này sẽ vượt xa mức đề ra theo Hiệp định Paris.

Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Báo cáo cho thấy hành tinh "đang thay đổi ngay trước mắt chúng ta" và minh họa cho việc “các hệ sinh thái và cộng đồng đang bị tàn phá”. Ông kêu gọi “COP26 phải là một bước ngoặt đối với con người và hành tinh”, nhấn mạnh thế giới “phải hành động ngay bây giờ - với tham vọng và sự đoàn kết - để bảo vệ tương lai của chúng ta và cứu vớt nhân loại”.

Hội nghị COP26, diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11 tại Glasgow, được kỳ vọng là cơ hội để đoàn kết thế giới trong nỗ lực thực hiện cam kết giới hạn sự nóng lên trên toàn cầu theo Hiệp định Paris. Hội nghị là sự kiện khí hậu quan trọng nhất kể từ khi Hiệp định Paris được 195 nước ký kết tại Hội nghị COP21 ở thủ đô Paris của Pháp năm 2015.

Minh Hợp (TTXVN)
Đông Nam Á vẫn là điểm dịch COVID-19 nóng nhất ở châu Á
Đông Nam Á vẫn là điểm dịch COVID-19 nóng nhất ở châu Á

Theo trang worldometers.info, tính tới 6 giờ ngày 9/9/2021, các nước Đông Nam Á ghi nhận thêm hơn 70.000 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước. Trong đó, Malaysia đứng đầu khu vực về ca mắc mới với hơn 19.000 ca, tiếp đến là Thái Lan, Philippines…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN