Phát hiện này được đưa ra trong báo cáo Carbon Majors do tổ chức phi lợi nhuận InfluenceMap công bố ngày 4/4.
Báo cáo này nêu rõ trong giai đoạn từ năm 2016 - 2022, thì 57 công ty trên, gồm các công ty do nhà nước quản lý và công ty của các nhà đầu tư, đã phát thải 80% lượng khí thải CO2 trên thế giới từ việc sản xuất xi măng và nhiên liệu hóa thạch. Trong số này, tập đoàn dầu khí Saudi Aramco (Saudi Arabia), tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) và công ty khai thác than đá Coal India (Ấn Độ) là 3 thực thể phát thải CO2 nhiều nhất thế giới.
Theo InfluenceMap, hầu hết các công ty trên đã đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2015, thời điểm mà gần như các quốc gia trên thế giới đã tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Sau thời điểm này, trong khi nhiều chính phủ và công ty khác đặt ra các mục tiêu phát thải khắt khe hơn và dần chuyển sang năng lượng tái tạo, 57 công ty trên lại sử dụng và sản xuất nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn, khiến lượng khí thải gia tăng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết lượng khí thải CO2 liên quan đến việc sử dụng năng lượng trên toàn cầu đã lên mức cao kỷ lục vào năm 2023. Theo InfluenceMap, báo cáo của tổ chức này có thể được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, ví dụ như quy trình pháp lý nhằm buộc những công ty phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về khí hậu hoặc có thể được sử dụng để đánh giá sự đóng góp của các công ty đối với việc cắt giảm khí phát thải.
Báo cáo Carbon Majors do tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Viện Trách nhiệm Môi trường (CAI) có trụ sở tại Mỹ công bố lần đầu tiên vào năm 2013. Tài liệu này kết hợp dữ liệu về sản xuất than đá, dầu mỏ và khí đốt do các công ty tự báo cáo với các nguồn như Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Hiệp hội Khai thác Quốc gia Mỹ và các nguồn dữ liệu ngành khác.